Một trong những "con nợ" lớn nhất với số nợ lên tới trên 103.000 tỉ đồng là Tập đoàn điện lực VN (EVN).
Kết quả mà tập đoàn này mang lại là liên tục thua lỗ trong nhiều năm và liên tục tăng giá để bù lỗ. Tăng giá điện là một trong những yếu tố góp phần làm kiệt quệ sức khỏe của doanh nghiệp, làm giảm mức sống của người dân và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Ngược lại, kinh doanh có lãi nhưng Tập đoàn dầu khí VN (PVN) lại không bằng lòng với đề xuất tăng tỷ lệ lãi nộp từ 50% lên 75% để giúp ngân sách bớt căng thẳng trong bối cảnh bị hụt thu lớn hiện nay. Đây không phải lần đầu diễn ra chuyện "kỳ kèo" phân chia tỷ lệ lợi nhuận giữa PVN với ngân sách. Đến mức, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ không bằng lòng khi “năm nào Thường vụ Quốc hội cũng phải bàn việc chia thế nào cho PVN”. Nên nhớ, PVN đang dẫn đầu trong số những tập đoàn - tổng công ty được ngân hàng cho vay nhiều nhất, họ nợ 124.499 tỉ đồng.
Nơi lỗ thì tăng giá làm khó doanh nghiệp và người dân; chỗ có lãi thì không muốn chia sẻ với ngân sách gánh nặng hụt thu. Đó chỉ là hình ảnh của 2 "con nợ" lớn nhất của hệ thống ngân hàng trong tổng số nợ 1,35 triệu tỉ nói trên. Rồi thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) liên tục mập mờ lỗ lãi để tăng giá bán lẻ; Tập đoàn Than khoáng sản nhiều lần "đòi" điều chỉnh thuế xuất khẩu than dù trong nước đang và sẽ phải nhập than; Tập đoàn Hàng hải Việt Nam thì gây thất thoát, thua lỗ cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng...
Được ưu ái về vốn, về lợi thế kinh doanh... nhưng điều mà khối DNNN nói chung mang lại cho nền kinh tế nhiều năm nay không tương xứng. Thậm chí, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hoạt động sa sút của họ là một trong những nguyên nhân chính tạo nên suy thoái kinh tế kéo dài. Đó là vì hiệu quả sử dụng tài sản kém hơn hẳn so với các khu vực DN khác trong khi đang nắm giữ nhiều nguồn lực hơn.
Ví dụ năm 2009, DNNN chiếm 37,2% nguồn vốn kinh doanh, 44,8% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, nhưng chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế, 20% giá trị sản xuất công nghiệp. Hiệu quả đầu tư cũng thua xa các loại hình doanh nghiệp khác. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2009, các DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra một đồng doanh thu trong khi DN ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 1,3 đồng. Điều này đã kéo mức sử dụng vốn trung bình của toàn bộ DN Việt Nam xuống 1,5 đồng.
Trong kinh doanh, nợ là chuyện bình thường. Nhưng nợ lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu; vay nợ để đầu tư ngoài ngành; vay nhiều nhưng hiệu quả đầu tư kém... thì rất đáng lo ngại. Những con số đã phản ánh chân thực những việc mà các DNNN đã làm cho đất nước, cho nền kinh tế.
Đã đến lúc phải mạnh dạn và quyết liệt cho giải thể các DN làm ăn thua lỗ kéo dài; phá bỏ thế độc quyền, tạo môi trường bình đẳng cho tất cả các DN cùng cạnh tranh, phát triển và đóng góp thực sự cho nền kinh tế.
Nguyên Khanh
>> Khoản vay bất thường của EVN
>> Chưa thể công bố kết luận thanh tra tại EVN
>> EVN phải giải trình
>> Petrolimex lẽ ra phải lãi 1.200 tỉ đồng' !
>> Bộ Công thương trả lời về việc Petrolimex lãi 'khủng
Bình luận (0)