Họ đã trở lại - Kỳ 2: Gặp tác giả của bộ ảnh Mỹ Lai

17/03/2013 09:15 GMT+7

(TNO) Nếu không có những bức ảnh của Ronald Haeberle ghi lại “buổi sáng khủng khiếp” ở Sơn Mỹ ngày 16.3.1968 ấy thì một phần của sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ mãi mãi bị chìm khuất...

(TNO) Nếu không có những bức ảnh của Ronald Haeberle ghi lại “buổi sáng khủng khiếp” ở Sơn Mỹ ngày 16.3.1968 ấy thì một phần của sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ mãi mãi bị chìm khuất...

Cuối năm 2011, Ronald Haeberle bất ngờ trở lại Sơn Mỹ một cách công khai sau 42 năm im lặng kể từ khi ông công bố những bức ảnh về Sơn Mỹ lần đầu tiên trên tạp chí Life năm 1969. Trở lại nơi đã in dấu ấn sâu đậm nhất trong đời quân ngũ của mình, không phải Ronald muốn “kể công” với dân Sơn Mỹ rằng chính ông là tác giả của những bức ảnh ấy mà để “nhìn lại rồi bước tới”, như lời thổ lộ của ông.


Ronald trên con đường làng Sơn Mỹ vào tháng 10.2011

Đường làng ngày trở lại

Trong đời cầm máy ảnh của một nhà báo, có lẽ không ai mong muốn mình sẽ ghi lại những khoảnh khắc rùng rợn như vụ thảm sát Sơn Mỹ mà Ronald đã làm. Hình như số phận đã ký thác cho Ronald để ông trở thành nhân chứng và cả “bằng chứng” khiến những thủ phạm của chiến tranh không thể phủi bỏ trách nhiệm được.

 
Họ không nhìn người Mỹ bằng “ánh mắt khác” như tôi tưởng tượng lúc còn ở quê nhà. Chính đó là lý do để tôi có thể trở lại ngôi làng này và nói với họ một lời xin lỗi, dù tôi không hề có lỗi trong vụ thảm sát ấy.
Ronald Haeberle

Khi nghe các nhà báo đặt câu hỏi: Có phải đây là lần đầu tiên ông trở lại Sơn Mỹ kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát? Ronald thú nhận: “Ồ không! Cách đây 10 năm, tôi cũng đã trở lại nơi này nhưng trong vai của một khách du lịch, chỉ ghé Bảo tàng Sơn Mỹ để xem lại những bức ảnh của chính mình. Không một ai ở đây biết tôi là tác giả của những bức ảnh ấy cả. Tôi đến trong âm thầm và cũng ra đi trong lặng lẽ. Tôi không dám đi lại trên những con đường làng năm xưa dù tôi rất muốn. Vì tôi biết, thời gian có thể đã làm mờ dấu vết của chiến tranh nhưng làm sao có thể xóa được nỗi đau và lòng căm giận? Thế nhưng, nhìn những ánh mắt của các cụ già - những nạn nhân của vụ thảm sát ngày ấy, tôi đã đọc được ở họ một sự vị tha. Họ không nhìn người Mỹ bằng “ánh mắt khác” như tôi tưởng tượng lúc còn ở quê nhà. Chính đó là lý do để tôi có thể trở lại ngôi làng này và nói với họ một lời xin lỗi, dù tôi không hề có lỗi trong vụ thảm sát ấy”.

Trong Bảo tàng Sơn Mỹ có treo bức ảnh “Anh che đạn cho em” mà Trần Văn Đức, một nạn nhân của vụ thảm sát, xác nhận đó chính là hai anh em của Đức chứ không phải như chú thích của Bảo tàng Sơn Mỹ. Ông Ronald trở lại Sơn Mỹ không phải chỉ để “đính chính” bức ảnh ấy mà để được đi lại trên những con đường làng đã từng in dấu chân mình cách đó 43 năm. Ông đã đi như một kẻ mộng du khi ngang qua những địa chỉ giờ chỉ còn lờ mờ trong ký ức. Đây là Tháp Canh, kia là gốc Cây Gòn - những địa chỉ đã từng đỏ máu người mà 43 năm trước Ronald đã kịp thu lại trong ống kính của mình.

Những con đường làng Sơn Mỹ hôm nay đã líu lo tiếng bầy con trẻ, ruộng đồng nơi đây cũng đã xanh hơn trong mắt của bao du khách nhưng trong lòng người cựu binh ấy lại dậy lên một cảm giác ngùi ngùi. Ký ức đau thương chưa bao giờ bị bôi xóa trong ông.

Chiếc máy ảnh Nikon-F

Năm 2010, Trần Văn Đức (nhân vật trong bức ảnh “Anh che đạn cho em”) bay từ Cộng hòa Liên bang Đức sang Mỹ để gặp ông Ronald sau một thời gian tìm kiếm địa chỉ khá công phu. “Món quà” mà ông Ronald tặng cho “cậu bé may mắn” năm xưa trước khi Trần Văn Đức ra về, là chiếc máy ảnh Nikon-F. Đó chính là chiếc máy ảnh đã thu lại những bức ảnh rùng rợn nhất trong ngày 16.3.1968. Ông Ronald đã giữ chiếc máy ảnh ấy hơn 40 năm qua, như một vật bất ly thân. Nó không chỉ là kỷ vật rất thiêng liêng trong đời làm báo của ông, mà hơn thế, nó được xem như một “nhân chứng” của sự kiện đã từng gây chấn động lương tri nhân loại. Ông trao cho Đức chiếc máy ảnh “bất ly thân” ấy như trao một phần đời ông cho Sơn Mỹ.


Ông Ronald xem lại những bức ảnh của mình tại Bảo tàng Sơn Mỹ

Ronald nhớ lại: “Tôi có hai chiếc máy ảnh để tác nghiệp trong buổi sáng 16.3 ấy, một chiếc hiệu Leica do quân đội Mỹ trang bị còn chiếc Nikon-F là của riêng tôi. 40 bức ảnh trắng đen được chụp bằng máy Leica, tôi giao lại cho cấp trên của tôi, còn 19 bức ảnh màu, tôi chụp bằng máy Nikon-F, tôi giữ lại cho mình. Tôi là phóng viên mặt trận, theo quy định của quân đội Mỹ, tất cả các phim, ảnh được chụp bằng máy ảnh do họ trang bị thì không được giữ lại. Khi tôi giao cuộn phim được chụp bằng máy Leica cho cấp trên của tôi, họ nghĩ rằng toàn bộ “bí mật” của vụ thảm sát đã được giấu kín. Mãi đến khi tôi công bố những bức ảnh màu trên tạp chí Life năm 1969, những góc khuất của vụ thảm sát mới dần được sáng tỏ”.

Có thể nói, 19 bức ảnh màu mà Ronald công bố như 19 khối thuốc nổ, làm rung chuyển cả hệ thống chính trị của nước Mỹ lúc bấy giờ. Là người trực tiếp chứng kiến toàn bộ vụ việc trong buổi sáng ngày 16.3 nhưng đến khi tráng phim rồi rọi ảnh, chính Ronald cũng không thể tin vào mắt mình rằng, tại sao lại có cuộc tắm máu rùng rợn đến vậy!

“Sẽ đi xe đạp về Sơn Mỹ”

Là người nổi tiếng nhưng bao giờ Ronald Haeberle cũng rất khiêm nhường khi có ai đó đề cập đến “công trạng” của ông qua loạt ảnh Mỹ Lai. Ông nói: “Tôi cũng chỉ là một nhà báo tình cờ được can dự vào sự kiện hãi hùng ấy thôi. Nếu bạn là tôi hôm ấy, bạn cũng sẽ hành xử như vậy. Không một nhà báo nào có lương tri mà lại bỏ qua sự kiện “động trời” như thế cả, kể cả cái việc phải công bố chúng cho toàn thế giới biết”.

 
Nếu bạn là tôi hôm ấy, bạn cũng sẽ hành xử như vậy.
Ronald Haeberle

Ronald đã phải đắn đo sau nhiều đêm mất ngủ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là công bố những bức ảnh ấy cho toàn thế giới biết về một góc của sự thật trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

“Nếu tôi không hé lộ sự thật ấy thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ dám trở lại ngôi làng này”, Ronald thú nhận. Ronald đã trở lại ngôi làng từng ám ảnh ông hằng đêm suốt 43 năm qua. Sơn Mỹ đã đón ông bằng những nụ cười thân thiện, điều mà ông không dám nghĩ tới lúc còn ở bên nhà.

Ở tuổi 73 nhưng Ronald bây giờ vẫn tham gia đội xe đạp vòng quanh châu Á cùng với những người bạn đồng niên. Ông cho biết, đội xe đạp của ông sẽ xuất phát từ TP.HCM đi Phnom Penh (Campuchia), sang Bangkok, qua Chiang Mai (cùng của Thái Lan) rồi vòng lại Viên Chăn (Lào) để xuôi về đường 9 Lao Bảo - Việt Nam. “Đích cuối cùng của chúng tôi sẽ là Sơn Mỹ. Tôi sẽ trở lại nơi này đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày xảy ra sự kiện bi thương ấy”. Ông nói.

Tôi chúc ông may mắn, mong đội xe đạp của ông không gặp trục trặc dọc đường để ông trở về Sơn Mỹ đúng hẹn.

Bài, ảnh: Trần Đăng

>> Ngọn lửa Gạc Ma lan tỏa
>> Thăm gia đình liệt sĩ Gạc Ma ở Thái Bình
>> Khúc tráng ca bất tử Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.