(TNO) Mười sáu năm sau cho đến ngày ông mất hôm qua, tôi chưa bao giờ gặp lại nụ cười như thế ở ông. Hồ Giáo rất hiếm khi cười tươi. Có lẽ những khổ hạnh của đời người chưa một lần buông tha người đàn ông tội nghiệp này.
Hồ Giáo với lũ nghé con tại Trại trâu Nghĩa Hành - Ảnh: Trần Đăng |
Ông Hồ Giáo quê xã Tịnh Sơn còn tôi thì quê xã Tịnh Hà cùng huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Hai xã được phân định bằng một con suối cạn có cây cầu mang tên “Bà Mẹo”.
Trong ký ức niên thiếu của mình, Hồ Giáo là ông cán bộ đội mũ cối, mặc bộ áo “đại cán” đã sờn, chân mang dép lốp, vai gánh một gánh lốp xe đạp mang tên Sao Vàng, món quà theo ông ngót ngàn cây số trên đất Bắc để về tặng bà con trong làng ngay sau ngày miền Nam được giải phóng.
Mãi đến 2-3 năm sau, chiếc lốp ấy mới thành của quý, chứ vừa sau ngày thống nhất đất nước, nhận món quà của ông Giáo cho, ai cũng cười thầm với suy nghĩ: “Ông mang củi về rừng làm chi cho cực vậy nà?”. Chả là ông nghe người ta đồn là bà con mình bị Mỹ nó kìm kẹp quá, không có lấy cái lốp xe mà đi nên ông chọn lốp xe làm quà là thực tế nhất. Hồ Giáo là vậy. Luôn thật thà và trung thực trong hành xử.
Ký ức của tôi với bác Hồ Giáo chỉ lờ mờ có vậy. Rồi tôi cũng quên luôn cho mãi tới trận lụt lịch sử năm 1999, nước lũ đã “cuốn” chúng tôi xích lại gần nhau.
Tết năm đó, mấy người bạn của tôi tại Hà Nội có nhờ chuyển cho đồng bào vùng lũ huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi một số phần quà mà phải “trao tận tay”, có địa chỉ chứ không được giao cho Ban nhận hàng cứu trợ của huyện.
Nghĩa Hành, nơi có trại trâu của bác Giáo, lập tức thoáng qua trong đầu tôi. Tôi mang máy ảnh cùng số quà lên đường. Ghé trại trâu, vắng hoe người. Một anh công nhân nói ông Giáo đang cắt cỏ ngoài vườn. Tôi gọi ơi ời, mãi một chặp mới thấy một ông già, mặc bộ quân phục đã cũ, vác bó cỏ như trùm kín người, đang “ thoát” ra từ trong lau lách.
Người anh hùng giữa cỏ - Ảnh: Trần Đăng
|
Đó là một buổi chiều hiếm hoi có chút nắng muộn sau nhiều chục ngày lụt lội ủ ê. Và tôi bấm máy. Bức ảnh “Người anh hùng giữa cỏ” không một chút “đạo diễn” nào từ người chụp ảnh đã mang lại cho tôi niềm vui nho nhỏ cho đến mãi tận hôm nay. Bác Giáo tươi tắn đến lạ thường.
Mười sáu năm sau cho đến ngày ông mất hôm qua, 14.10, tôi chưa bao giờ gặp lại nụ cười như thế ở ông. Hồ Giáo rất hiếm khi cười tươi. Có lẽ những khổ hạnh của đời người chưa một lần buông tha người đàn ông tội nghiệp này. Ông luôn tìm niềm vui trong công việc. Đời ông là những chuỗi ngày bận bịu với công việc. Đó là kiểu bận bịu của người luôn ý thức về trách nhiệm của mình với công việc, luôn “tự vận” vào mình những điều mà người khác rất dễ thoái thác.
Trong dịp ấy, ông kể với tôi là ông vừa đỡ đẻ cho một con trâu. Trại trâu có hai-ba kỹ sư thú y nhưng Hồ Giáo vẫn dành về mình cái phần khó nhất là đẻ cho trâu. Trưa đó ông về Quảng Ngãi để lấy thêm cặp lồng cơm rồi đi bộ ngược lên trại trâu Nghĩa Hành 6 cây số để chờ trâu chuyển dạ và đỡ cho nó!
“Tôi nghe tiếng thở của nó và biết đêm đó thể nào nó cũng đẻ. Không có mình, nó đẻ lúc đêm hôm, ai chăm bê con cho nó bây giờ!”. Nghe ông kể chuyện đó, tôi chợt vỡ ra rằng vì sao sau hai ngày bị nước lũ chia cắt, Hồ Giáo mới lên được trại trâu, thoáng thấy ông, lũ bê con ùa ra vây lấy Hồ Giáo như những đứa con mừng mẹ chợ về.
Ông gọi tên từng “đứa”, này là Lý Sơn (tên một hòn đảo ở Quảng Ngãi), này là Thọ Lộc (nơi đặt trụ sở của Đài Tiếng nói Nam Bộ năm 1946), này là Diên Niên (tên làng ông)… nghe đến tên mình, con bê nào cũng “nghiêm nghị” như lính chờ lệnh chỉ huy. Chỉ có một thứ tình yêu gan ruột với con vật mình nuôi như Hồ Giáo mới có thể “nối mạng” được để mà “trò chuyện” với đám trâu con.
Hồ Giáo thị sát một chuồng bò sữa của một hộ chăn nuôi tại Ba Vì năm 2008 - Ảnh: Trần Đăng
|
Hồ Giáo là vậy. Chân thành và luôn trải lòng, ngay cả với con vật ông nuôi, ông cũng đối xử với chung như những người bạn chí cốt. Hai lần nhận danh hiệu Anh hùng lao động có lẽ cũng vì cái đức tính này chứ không hẳn là chuyện vỗ béo đàn trâu hay vắt thật nhiều sữa. Sự cảm hóa đối với con vật, biến chúng thành những “đứa trẻ ngoan”, đó mới là căn cốt mà chỉ có Hồ Giáo mới đạt được. Vì vậy, ở con người Hồ Giáo, không có đất để cái ác chen chân.
Năm 2008, Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cuộc thi bút ký-phóng sự cho bút ký “Bài ca Mura” của tôi. Năm đó, theo thể lệ cuộc thi, người đoạt giải được phép dẫn theo nhân vật của mình. Nhận thư mời, tôi ghé nhà bác Giáo và “đặt vấn đề” về chuyến đi Hà Nội sắp tới. Tôi lên chương trình là sẽ có chuyến “trở lại Ba Vì”, nơi Hồ Giáo từng gắn bó một thời, và hỏi ý kiến ông.
Hồ Giáo nói chậm rãi nhưng không giấu được sự sốt ruột: “Ba mươi hai năm rồi tôi chưa một lần trở lại Ba Vì. Đi chuyến này về chết cũng toại nguyện. Anh cho tôi đi cùng nhé!”. Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn của Đài PT&TH Quảng Ngãi hay tin Hồ Giáo sắp trở lại Ba Vì nên cũng cắp máy quay theo cùng. Bộ phim tài liệu “Người bình thường” của Nguyễn Anh Tuấn là một trong vài phim tài liệu “lột” được cái “chất” của Hồ Giáo, cũng nhờ chuyến trở lại này của ông.
Ông Hồ Giáo bước lên bục nhận “giải thưởng dành cho nhân vật được yêu thích”, tay nhận hoa mà lòng thì luôn hướng về Ba Vì. Lòng dạ đâu để ông vui mà đón cái “vinh quang” phù phiếm ấy. Ông đi Bắc là dịp để được trở lại Ba Vì, trở lại Đội 8 cùng các thiếu nữ xinh đẹp của ông thôi.
Đồng nghiệp của tôi, nhà báo Quang Hiệu, Báo Lao Động tự nguyện làm tài xế đưa chúng tôi cùng ông Giáo trở lại Ba Vì. Lí do để Hiệu xung phong làm chuyện này là cụ Bản, mẹ anh Hiệu, nguyên là “thiếu nữ Đội 8” do Hồ Giáo làm Đội trưởng!
Dù đã được báo trước là có khách quý đến nhà, lại nói luôn là bác Hồ Giáo, song cả gia đình Quang Hiệu và các “thiếu nữ Đội 8” của Nông trường Ba Vì năm xưa vẫn không tin là mình sắp đón một nhân vật đặc biệt nhất trong đời.
Hồ Giáo cùng các “thiếu nữ Đội 8” của Nông trường Ba Vì ngày ông trở lại tháng 10.2008 - Ảnh: Trần Đăng
|
Cả một ký ức thanh xuân nhưng nghèo khó từ 40 năm trước chợt ùa về. Họ gặp nhau từ thuở tóc xanh, từ khi anh Giáo mới 30 vừa xuất ngũ về nuôi bò tại Nông trường Ba Vì, giờ thành những ông bà lão, tuổi ngấp nghé 80 rồi.
Trong các ‘thiếu nữ Đội 8” ngày ấy có “cô Huệ nhỏ nhắn”, đã một thời mê đắm Hồ Giáo. Giờ tuổi đã 70, bà Huệ vẫn nắm chặt tay Hồ Giáo để trách yêu: “Anh Giáo chê em chứ nếu ưng em thì giờ con đàn cháu đống ở Ba Vì này rồi”. Giáo nào dám chê “em Huệ” xinh đẹp, chẳng qua là trước ngày tập kết, Giáo đã đính hôn với một người con gái tên Trúc và hẹn nhau sau hai năm sẽ trở về.
Hồ Giáo là thế đó. Luôn đặt chữ tín làm đầu. Bà Trúc, sau 2 năm không thấy Giáo trở về, bà lấy chồng khác, còn Giáo thì vẫn “thủy chung”, đến mức em Huệ xinh tươi là vậy, vẫn được Hồ Giáo đặt bên lề của đời ông. Ông Giáo nhờ tôi chụp cho ông kiểu ảnh để ông về “khoe” với bà Thành vợ ông ở nhà, rằng bà Huệ sau mấy chục năm vẫn cầm tay ông như thuở thanh xuân.
Lần đó tôi lại thấy ông Giáo cười vui như dạo ông bước ra từ rừng cỏ năm nào. Có lẽ ông đã cảm nhận được quỹ thời gian mà tạo hóa dành cho mình không còn nhiều nữa. Chuyến trở lại Ba Vì duy nhất và cũng là lần cuối cùng này là dịp để ông được cười vui với một thời tuổi trẻ đã đi qua của mình.
Mải mê với cỏ và trâu, Hồ Giáo quên cả lấy vợ. Đến năm 50 tuổi (1980), sau mấy lần “mối lái” không thành, người cháu gọi ông bằng cậu mới ‘mối” được cho ông bà Thành, ít hơn ông những 18 tuổi. Bà Thành là bộ đội phục viên, gặp Hồ Giáo một lần duy nhất và … gật đầu luôn. Bà đẻ cho ông một mụn con gái duy nhất tên Hồ Thị Minh, sinh năm 1982, nay là cô giáo dạy một trường trung học ở TP Quảng Ngãi.
Chuyện cô giáo Minh con Hồ Giáo được chuyển từ miền núi về thành phố là một câu chuyện nhiều tập lỳ kỳ mà chỉ qua câu chuyện “xin việc” của chính con mình, Hồ Giáo mới hiểu đến hai từ “tiêu cực”!
Hồ Giáo đã “trong sáng” đến phút cuối của cuộc đời mình như thế. Ông yêu lũ trâu như yêu đám trẻ và hồn nhiên như cỏ, cứ lên xanh sau mỗi trận mưa rào.
Bình luận (0)