Hổ phách chứa xác cua 100 triệu năm tuổi

22/10/2021 20:30 GMT+7

Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đã tìm được hóa thạch cổ nhất về loài cua, và cũng là hóa thạch hoàn chỉnh nhất về loài giáp xác từng được bảo quản bên trong hổ phách.

Cận cảnh hổ phách 100 triệu năm tuổi chứa xác hoàn chỉnh của một con cua

đại học khoa học địa chất trung quốc

Theo báo cáo đăng trên chuyên san Science Advances, hổ phách 100 triệu tuổi đã viết lại lịch sử của loài giáp xác và cung cấp chứng cứ về sự tồn tại của loài cua tí hon vào thời điểm chúng mới rời môi trường biển vào Kỷ Phấn Trắng.

Hổ phách siêu hiếm được những người thợ mỏ phát hiện trên thân cây trong một khu rừng tại Đông Nam Á vào năm 2015, trước khi trở thành đối tượng nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) và Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc.

Cá thể cua được bảo quản trong hổ phách thuộc về loài có tên khoa học là Cretapsara anthanata. Đây là phát hiện vô cùng quan trọng trong nỗ lực xây dựng cuộc tiến hóa của loài cua, thậm chí viết lại lịch sử của loài giáp xác này.

Các hóa thạch trước đó cho thấy loài cua bắt đầu rời môi trường biển từ 50 đến 75 triệu năm trước. Tuy nhiên, khám phá mới có thể đẩy lùi mốc thời gian đến 125 triệu năm.

Đồng tác giả Javier Luque, nhà cổ sinh vật học của Đại học Harvard, cho biết mẫu vật chứa đầy đủ những đặc điểm của loài cua, bao gồm các mô vô cùng tinh tế như râu, phần miệng có nhiều lông mịn, mắt kép lớn và thậm chí cả bộ phận mang.

“Sự đa dạng về hình thái trong các loài cua luôn thu hút sự quan tâm của giới khoa học cũng như công chúng, và giờ đây ai nấy đều vô cùng phấn khích khi có thể hiểu biết thêm về loài vật sống từ thời khủng long nhưng không phải khủng long”, chuyên gia Luque giải thích.

Hóa thạch mới làm sáng tỏ hơn về nhóm người nguyên thủy bí ẩn từ Siberia
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.