Chỉ đúng 2 ngày sau “vụ nổ” Hồ sơ Panama, Thủ tướng Iceland, ông Sigmundur Gunnlaugsson đã phải từ chức. Ai sẽ là người tiếp theo? Có thể danh sách sẽ dài.
Người dân Iceland biểu tình ở thủ đô Reykjavik ngày 4.4, đòi Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson từ chức - Ảnh: Reuters |
Giữa lúc Hồ sơ Panama vẫn đang gây chấn động khắp thế giới, người ta vẫn chưa hình dung hết vụ này sẽ lan xa tới đâu. Câu trả lời đến nay chỉ có thể là rất xa. Nên nhớ đây là vụ rò rỉ thông tin “khủng” nhất trong lịch sử thế giới, với số lượng dữ liệu xì ra còn lớn hơn "quả bom" Wikileaks làm đảo điên chính trường thế giới bao năm qua.
Hồ sơ Panama bao gồm hơn 11 triệu tài liệu ghi nhận hoạt động hàng ngày của Mossack Fonseca - một trong những hãng luật lớn nhất thế giới có trụ sở ở Panama - suốt 4 thập niên. Hiệp hội các phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) cho biết hãng này đã lập hằng hà sa số công ty và tài khoản mật cho khách hàng ở khắp 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó gồm nhiều ông to bà lớn.
Một văn phòng của hãng luật Mossack Fonseca tại Thượng Hải (Trung Quốc) - Ảnh: AFP
|
Giữa một thế giới mà tầng lớp trung lưu đang ngày càng bất mãn, vụ Hồ sơ Panama càng đổ thêm dầu vào lửa khiến người ta cảm thấy rõ hơn sự bất công của xã hội; trong đó những người nghèo, người có thu nhập trung bình phải è lưng gánh lấy các trách nhiệm xã hội; còn người siêu giàu, siêu quyền lực thì phởn phơ trốn thuế.
Sự bất mãn đó, tương tự những gì đã xảy ra ở Iceland sẽ “làm khó” không ít cho các nhà lãnh đạo. Cho tới nay, có 12 đương kim hoặc cựu nguyên thủ quốc gia “được” nêu tên trong Hồ sơ Panama. Hãng truyền thông CNN liệt kê một số cái tên “to” đang “bị làm khổ” sau khi Hồ sơ Panama bị tung ra hôm 3.4:
Thủ tướng Anh David Cameron
Thủ tướng Cameron đang giữa tình thế khó khăn - Ảnh: Reuters
|
Thủ tướng Cameron đang gặp rắc rối sẵn trong việc đưa nước Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu. Và giữa lúc ông Cameron vì thiếu hụt ngân sách phải kêu gọi thường dân thắt lưng buộc bụng, ông cũng bị xem sẵn là người đứng “trên cao”, lo hưởng đặc quyền đặc lợi mà bỏ mặc cho dân khổ.
Giờ đây, ICIJ cho biết theo thông tin vừa bị lộ thì người cha đã qua đời của Thủ tướng Anh là Ian Cameron từng là khách hàng của hãng luật vừa bị lộ thông tin Mossack Fonseca, thuê dịch vụ của hãng này để giúp quỹ đầu tư của ông là Blairmore Holdings Inc trốn thuế.
Với một nhà lãnh đạo kêu gọi thường dân thắt lưng buộc bụng vì chính phủ không có đủ tiền thuế để tiếp tục các chương trình an sinh xã hội từng cung cấp cho người dân, đây quả là một tình thế “khó đỡ”.
Bản thân ông Cameron tới nay chỉ có thể thanh minh rằng ông chẳng có đồng nào gửi ở nước ngoài.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
Theo thông tin trong Hồ sơ Panama thì vào tháng 8.2014, lúc Ukraine đang phải gồng mình đối phó với lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông nước này, Tổng thống Poroshenko trở thành cổ đông duy nhất trong Prime Asset Partners Limited, công ty mà ông đã thuê hãng luật Mossack Fonseca mở giúp ở quần đảo Virgin (Anh), một trong những “thiên đường thuế” nổi tiếng trên thế giới, nơi giới siêu giàu thường chuyển tài sản đến để trốn thuế. Đó cũng làm một địa chỉ rửa tiền “có tiếng”.
"Vị tổng thống cải cách" Poroshenko lâm vào thế khó xử vì "được nêu tên" trong Hồ sơ Panama - Ảnh: Reuters
|
Trước sự bất mãn của dân chúng về người tiền nhiệm Viktor Yanukovych, ông Poroshenko lúc nào cũng tự mô tả mình là một nhà cải cách, khác biệt với các lãnh đạo tham nhũng. Người dân Ukraine từng nổi giận trước cung điện rộng bao la bát ngát mà ông Yanukovych dùng tiền của chính phủ để xây, bao gồm cả trường bắn, trường đua ngựa, sân tennis và bến neo du thuyền.
Còn giờ đây, họ phát hiện nhà lãnh đạo cải cách giấu nhẹm công ty đồ sộ của mình ở nước ngoài, khỏi đóng đồng thuế nào cho đất nước, trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách liên miên, phải nhờ cậy sự trợ giúp từ bên ngoài.
Việc ông Poroshenko mở công ty ở nước ngoài không phải trả thuế, dù có hợp pháp đi chăng nữa, thì cũng không dễ chịu tí nào cho hình ảnh một nhà lãnh đạo của nhân dân. Tới nay ông đã phải thừa nhận sự tồn tại của công ty kể trên, chỉ cố gắng vớt vát rằng nó chẳng dính líu gì tới hoạt động chính trị và quân sự ở Ukraine.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif
Thủ tướng Sharif có tới 3 người con "có mặt" trong Hồ sơ Panama - Ảnh: Reuters
|
Ba người con của Thủ tướng Sharif bị “điểm danh” trong Hồ sơ Panana, dính líu tới những công ty “né” thuế ở nước ngoài. Mà các công ty này thì sở hữu rất nhiều bất động sản ở thủ đô London (Anh) vốn siêu đắt đỏ.
Một trong những người con kể trên, Hussain Sharif chỉ có thể thanh minh rằng ông ta làm ăn hợp pháp. Nhưng dù có là hợp pháp thật đi chăng nữa thì cũng không dễ gì xoa dịu dư luận khi chính quyền của ông Sharif tận thu thuế của dân; còn con trai, con gái ông chuyển tài sản ra nước ngoài để khỏi đóng thuế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Điện Kremlin cho rằng Hồ sơ Panama là âm mưu chống lại nước Nga - Ảnh: Reuters
|
Tờ The Guardian đưa tin rằng một loạt bạn bè, trợ lý thân cận trong “vòng tròn Putin” đã thực hiện các giao dịch, các khoản vay, đổi chác thông qua các công ty, tài khoản mật ở nước ngoài với tổng giá trị lên đến 2 tỉ USD. Dù tên của ông Putin không một lần xuất hiện nhưng tất cả đều là những nhân vật thân cận, có nhiều mắc mứu với Putin.
Vậy Tổng thống Putin đang gặp rắc rối? Có thể, nhưng lịch sử đã chứng minh không dễ gì “hất” được một người như Putin. Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố: “Putin, Nga, đất nước chúng ta, sự ổn định của chúng ta và cuộc bầu cử sắp tới là mục tiêu chính (của việc tung Hồ sơ Panama), nhất là để gây mất ổn định tình hình”. Điện Kremlin cũng nói rằng rất nhiều trong số các nhà báo đang lục tung Hồ sơ Panama là cựu nhân viên CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bình luận (0)