Tình nguyện viên hướng dẫn kỹ thuật
Đại úy Trần Duy Toàn, Đội trưởng Đội sản xuất nông lâm 1, cho biết nhiệm vụ chủ yếu của đội là tạo mọi điều kiện cho người dân xã Phước Mỹ (H.Phước Sơn) có thể phát triển kinh tế để thoát nghèo. Năm 2015, đơn vị đã nghiên cứu thành công loại chanh không hạt để giúp bà con nông dân. Qua trồng thử nghiệm, nhận thấy cây chanh không hạt phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Phước Mỹ, mang lại hiệu quả cao nên đội đã trồng thí điểm trên diện tích 10 ha. Đến nay, khi cây cho trái, mang lại hiệu quả nhất định, đội đã cấp 5.000 cây chanh không hạt, 2 tấn phân hữu cơ, 1 tấn vôi bột cho 100 người dân xã Phước Mỹ trồng thí điểm.
tin liên quan
Giúp dân thoát nghèoTuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn canh tác theo phương pháp cũ, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt nên việc thay đổi phương pháp trồng cũng gặp khá nhiều khó khăn. Vì vậy, đơn vị đã cử các bạn trẻ tình nguyện xuống tận bản, thôn để tiếp cận, tìm hiểu về diện tích, điều kiện của người dân.
“Khi cấp giống, các tình nguyện viên sẽ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con từ đào hố đến quy cách trồng chanh. Bên cạnh đó là tìm thị trường cho loại chanh không hạt này để giúp bà con có đầu ra ổn định”, đại úy Toàn nói.
Trao kế sinh nhai cho người dân
Cũng theo đại úy Toàn, sau 3 năm trồng thì cây sẽ cho thu hoạch, trung bình 1 cây cho 20 kg quả/năm. Với giá hiện tại thì mỗi cây cho thu nhập hơn 300.000 đồng. Như vậy, cứ 50 cây chanh không hạt sẽ thu về trên 15 triệu đồng/năm, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Không chỉ cấp cây giống, Đội sản xuất nông lâm 1 còn nhân giống hơn 100 con bò giống, lai tạo bê con để trao sinh kế cho người dân. “Chúng tôi thực hiện phương thức nuôi bò theo nhóm hộ. Cứ 10 hộ gia đình, chúng tôi sẽ giao 10 con bò, các hộ gia đình này sẽ luân phiên nhau giữ. Sắp tới chúng tôi sẽ khuyến khích bà con mở rộng diện tích chanh không hạt khoảng 50 ha, sau đó bao tiêu đầu ra cho người dân”, đại úy Toàn cho hay.
Anh Hồ Văn Chương (thôn 2, xã Phước Mỹ) là hộ gia đình được hỗ trợ con giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh không hạt vào cuối năm 2017. Anh Chương kể sau khi được Đội sản xuất nông lâm 1 chuyển giao kỹ thuật cây giống, vật nuôi và áp dụng thử nghiệm thì thấy hiệu quả rất cao. “Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, cây chanh đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, từ đó gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo”, anh Chương nói.
Bình luận (0)