Hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động lớn

17/09/2020 09:15 GMT+7

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội giảm tối thiểu 50% khoản phí bảo hiểm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động lớn.

Trong phần đề xuất, Ban IV kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong năm nay, thậm chí kéo dài sang năm 2021 vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Ngoài ra, miễn phí công đoàn trong 2 năm 2020 và 2021 thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng trong năm nay. Song song đó, cho phép doanh nghiệp (DN) hoãn thời gian đóng so với các quy định hiện hành vì đây là dòng tiền rất lớn trong cơ cấu chi của DN.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa ủng hộ việc giảm nghĩa vụ tài chính của DN liên quan các khoản phí bảo hiểm. Ông nhấn mạnh các DN sử dụng nguồn lao động lớn, trên 500 lao động, mỗi tháng số tiền đóng BHXH, BHYT và BHTN rất lớn, cả DN và người lao động đóng tổng 3 phí này hết 32% trên mức lương tối thiểu, trong đó DN đóng hết 21,5%.
Một con số rất lớn. Chẳng hạn, một công nhân mỗi tháng DN phải đóng 3 khoản phí này 1 triệu đồng thì 1.000 công nhân trong 1 tháng, DN phải đóng đều đặn 1 tỉ đồng; và càng giải quyết nhiều lao động, gánh nặng chi phí càng lớn. Ông Hòa đặt vấn đề, không chỉ giảm thôi mà trong năm nay, các khoản phí BHTN, BHXH có thể miễn cho DN có được không? Chính phủ có thể xem xét giảm, miễn mạnh các khoản chi hằng tháng này, sẽ giúp DN bớt căng thẳng bởi phải chi những khoản tiền lớn hằng tháng trong bối cảnh không sản xuất, không có đơn hàng. “Chính sách này nên ưu tiên cho DN có sử dụng lao động nhiều, tập trung trong ngành sản xuất xuất khẩu, dịch vụ…”, ông Đỗ Hòa nhấn mạnh.
Thực tế, khi DN đã phá sản, đóng cửa thì nhu cầu vay vốn cũng không có. Thế nên, ông Đỗ Hòa cho rằng nói giảm lãi vay thì phải giảm ngay, để cứu DN chứ không nên chờ “chết” rồi chính sách có ưu đãi đến đâu cũng không có hiệu quả.
Thực tế, cách tiếp cận hỗ trợ lần 1 đang được làm theo lối truyền thống. Khả năng thực hiện cao nhưng quá nhiều cơ quan bộ ngành can thiệp dẫn đến thời gian kéo dài, không cứu được DN và vì thế, hiệu quả của gói hỗ trợ cũng không cao. Thế nên, lần 1 đã có nhiều DN không được giãn nợ hay giảm lãi vay như kế hoạch.
Trong lần ảnh hưởng thứ 2 này, đã bước sang giữa tháng 9, nhưng chính sách về tài khóa cho DN vẫn chưa thấy động tĩnh gì là hơi chậm. Thế nên, để tiếp tục cứu DN lớn, những DN sử dụng nguồn lao động lớn, ông Hòa nêu vấn đề: “Cứ thử cho DN vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, bỏ qua các quy định DN phải chứng minh bao nhiêu tháng không có doanh thu, người lao động phải đóng BHXH bao lâu đi, bỏ qua quy định phải có từ 20% người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc ngừng việc từ 1 tháng trở lên… mà cho vay ngay để mua nguyên liệu, để trả lương mà tồn tại. Chúng ta có làm được không? Nếu được, nên bắt tay làm ngay, đừng lặp lại vết xe đổ không hiệu quả của gói cứu trợ lần 1”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.