Đây là quyết định được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra ngày 29.5.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, hiện có khoảng 6% trường hợp phải cách ly F1 là trẻ em (4.083 trường hợp F0 và F1). Số liệu này có thể sẽ nhiều khi lượng cách ly tại khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) tăng lên.
Trước tình hình này, Bộ LĐ-TB-XH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0 - 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung theo quyết định của cấp có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/em trong 21 ngày. Thời điểm áp dụng từ 27.4-31.12; nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ này hỗ trợ 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Điện Biên mỗi tỉnh 1,2 tỉ đồng để phòng, chống dịch, trong đó có trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, tình hình dịch bệnh đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất kinh doanh tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Tính đến nay, tỉnh Bắc Giang buộc phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp, trong đó có 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc. Bắc Ninh có 42.000 lao động phải ngừng việc; Hải Phòng có hơn 30.000 lao động bị ảnh hưởng tiêu cực…
Tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc,… một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.
Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghi Thủ tướng bổ sung ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân trong các KCN, KCX, các địa phương tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, nơi cư trú, không để lọt các mầm bệnh.
Việc hỗ trợ các địa phương, người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn thiện chính sách hỗ trợ, xin ý kiến các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng.
Bình luận (0)