Thế nhưng trong bối cảnh rất nhiều người đang phải "thắt lưng buộc bụng" thì chính sách hỗ trợ lại đang "bỏ quên" cá nhân người nộp thuế - dẫn đến mũi giáp công này khó mà phát huy hiệu quả.
Dịch Covid-19 gây ra tác động kép lên cả “tổng cung” và “tổng cầu”. Ở tổng cung, Chính phủ đã kịp thời tung ra các chính sách, biện pháp để thúc đẩy như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, miễn giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công... Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã bắt đầu tiếp cận gói hỗ trợ thứ 2 với mức giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất cũng tiếp tục giảm. Thế nhưng phía tổng cầu, các chính sách lại khá khiếm tốn, đặc biệt là đề xuất miễn, giãn, giảm thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa được thông qua.
Trong khi theo Tổng cục Thống kê, chỉ riêng quý 3/2020 có 1,3 triệu người thiếu việc làm. Tính chung sau 9 tháng năm 2020, số người từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm khoảng 4 triệu người. Nghĩa là gánh nặng cơm áo gạo tiền của hàng triệu hộ gia đình lại nặng thêm vì số người đi làm giảm. Còn tính đến tháng 6.2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Trong đó có đến 17,6 triệu người bị giảm thu nhập...
Thu nhập giảm, thất nghiệp tăng cao nhất trong lịch sử nhưng thuế thu nhập cá nhân không được giảm, rất nhiều gia đình chính thức rơi vào tình trạng "thắt lưng buộc bụng" để đóng thuế. Mà đã thắt lưng buộc bụng đóng thuế thì tiền đâu mà mua sắm, tiêu dùng để Chính phủ kích cầu?
Thực tế, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, rất nhiều hộ gia đình đã phải co - kéo, cắt giảm cả nhu cầu thiết yếu bởi trong "rổ" chi tiêu đã có thêm một khoản bắt buộc là khẩu trang, nước rửa tay và một số sản phẩm phòng chống dịch, nghĩ gì đến chi xài mua sắm cho các nhu cầu khác? Thế nên, để kích cầu tiêu dùng, giải pháp hiệu quả nhất mà hầu hết các nước sử dụng là tăng thu nhập cho người dân thông qua hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân và giảm thuế giá trị gia tăng để hàng hóa rẻ hơn. Điều này còn giúp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tối đa hiệu quả.
Nói nôm na là chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh thì cũng phải hỗ trợ người dân có thêm thu nhập để mua sắm. Chứ hàng hóa sản xuất ra nhưng sức mua không có thì có khi còn khiến doanh nghiệp đối diện với nguy cơ chết trên đống tồn kho vì không bán được hàng.
Ngoài ra, cũng có thể phát hành các phiếu giảm giá trực tiếp vào những lĩnh vực muốn kích cầu như một số nước đã làm. Đơn cử Bắc Kinh (Trung Quốc) đã phát phiếu giảm giá cho người dân mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử JD.com. Người dân cũng có thể sử dụng các phiếu giảm giá này để đi ăn uống hay mua sắm tại các nhà hàng, doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, hơn 30 thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện phương thức phát voucher cho người dân đối với một số sản phẩm cụ thể. Còn Mỹ, Nhật và một số nước thì chi thẳng tiền vào tài khoản của người dân...
Tiêu dùng hồi phục thì sản xuất mới phục hồi và ngược lại...
Bình luận (0)