“Hố tử thần” xuất hiện trong mùa khô

03/03/2011 19:35 GMT+7

(TNO) Sau một thời gian tạm lắng, “hố tử thần” xuất hiện trở lại trên đường phố Sài Gòn ngay trong mùa khô. Vì sao?

>> “Hố tử thần” lại xuất hiện ngay trung tâm TP.HCM
>> Khai quật “hố tử thần” siêu khủng
>> Báo động lún, sụp đất tại TP.HCM
>> Đã có máy dò được “hố tử thần”

Lô cốt” và “hố tử thần”

Lý giải cho sự xuất hiện của “hố tử thần”, tại cuộc hội thảo khoa học gần đây, kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội cầu đường cảng TP.HCM chỉ ra ba nhóm nguyên nhân sơ bộ. Đó là nguyên nhân do công trình (đường ống cấp nước, thoát nước, công trình ngầm) cũ, xuống cấp chưa được thay thế, tu sửa; do địa chất thủy văn và do quản lý chưa tốt, chồng chéo.


Sau một thời gian im ắng, "hố tử thần" xuất hiện lại tại trung tâm TP.HCM - Ảnh: Trần Duy

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên Online, các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật tại TP.HCM đã có từ thời Pháp. Hệ thống cấp nước thành phố hình thành từ cuối thế kỷ 19 do Công ty Thủy điện của Pháp Compagine  Electrice des Eau quản lý. Hệ thống thoát nước thành phố cũng được hình thành từ 130 năm trước và phần lớn trong số đó đã xuống cấp trầm trọng.

Do vậy, TP.HCM đang tiến hành bốn dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA để cái tạo hệ thống thoát nước và môi trường. Cụ thể: dự án Vệ sinh môi trường thành phố, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Tẻ - Kênh Đôi, dự án cải thiện môi trường thành phố (tiền dự án cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng và dự án nâng cấp đô thị TP.HCM (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm).

Theo công bố mới đây của Sở GTVT, trong năm nay, có khoảng 67 gói thầu của các dự án thoát nước lớn kể trên sẽ tiếp tục triển khai. Điều này đồng nghĩa, hàng chục “lô cốt” sẽ tái mọc và nhiều tuyến đường tiếp tục cảnh đào lên, lấp xuống liên tục.

Một số nhà khoa học cho rằng, việc đào lên, lấp xuống liên tục khiến kết cấu vật lý của lớp đất mặt đường thiếu ổn định, nước xâm nhập và gây ra các vệt xói lở là nguyên nhân gây ra “hố tử thần”.


Một vụ khai quật "hố tử thần" vào tháng 1.2011 - Ảnh: Trần Duy

Thống kê của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 trong năm 2010 cho thấy 36,8% “hố tử thần” xuất hiện do quá trình thi công các dự án lớn kể trên và 63,2% do hư hỏng hệ thống cấp nước, thoát nước cũ, cáp điện lực hiện hữu và lái xe không tuân thủ biển báo.

Ngoài các dự án đào đường của ngành giao thông, từ năm 2003 đến nay, ngành điện lực vẫn đang tiếp tục xây mới các tuyến cáp ngầm điện cao thế như tuyến cáp 22Kv Nhà Bè - Tao Đàn, các tuyến 110Kv Tao Đàn - Tân Định, Tao Đàn - Sở Thú… Và điều này dẫn đến thực trạng, nhiều tuyến đường “vừa chôn đất xuống, lại đào đất lên”.

Vừa chôn đất xuống lại đào đất lên

Theo thống kê về “hố tử thần” gần đây nhất do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM đưa ra: địa bàn các quận như Q.1, Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình là những nơi “hố tử thần” xuất hiện nhiều nhất. Kế đến là Q.7, Q.5, Q.12, huyện Hóc Môn, Nhà Bè…

“Hố tử thần” xuất hiện vào những tháng cao điểm của mùa mưa tại TP.HCM, từ tháng 7 đến tháng 11 và có xu hướng giảm dần vào mùa khô.

Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tính đến nay đã có trên 80 “hố tử thần” được ghi nhận. Trong đó, tuy chưa có thương vong về người nhưng đã có 8 vụ xảy ra sự cố gây thiệt hại về tài sản.

Ngành giao thông không công khai thừa nhận chất lượng lớp tái lập mặt đường kém dẫn đến xuất hiện “hố tử thần”. Nhưng tại các cuộc hội thảo chuyên đề về thi công các công trình ngầm gây ra hố lún, sụp gần đây, một số nhà khoa học, chuyên gia đã chỉ thẳng điều này và yêu cầu kiểm soát chặt hơn.

Một chuyên gia của Sở GTVT cho biết, Sở GTVT không có đội ngũ giám sát việc tái lập mặt đường mà giao cho các đơn vị tự làm theo những quy định do Sở đưa ra.

PGS - TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc Liên hiệp Địa chất Công trình Xây dựng và Môi trường (UGCE) cho rằng, việc tái lập các vị trí mặt đường thi công không thể sơ sài và tùy tiện như hiện nay.

TS Diệp nói, quy trình giám sát việc tái lập này chưa chặt chẽ, làm xuất hiện lún, sụt tạo nên các “hố tử thần”.

Cũng theo TS Diệp, lớp đất, đá trước khi được dùng để tái lập mặt đường phải thông qua các thí nghiệm về lý, hóa và phải đạt chuẩn, đạt độ nén yêu cầu. Khi một lớp đất tái lập nào đó không đạt, phải yêu cầu đơn vị tái lập làm lại.

PGS - TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng phải xem lại quy trình thi công, giám sát nghiệm thu các công trình thi công trên đường bộ hiện nay.

Theo TS Hiệp thì đa số việc thi công, tái lập đều được thực hiện vào ban đêm, “không ai biết việc lấp đất thế nào, nghiệm thu ra sao”.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.