Hòa bình và khát vọng

25/07/2022 04:21 GMT+7

Khi Tổng đạo diễn chương trình Khát vọng hòa bình Đặng Lê Minh Trí thổ lộ anh là cháu ngoại của một liệt sĩ đã hy sinh trong “81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị ”, và anh làm tất cả để chương trình thể hiện Khát vọng hòa bình ngay tại Thành cổ Quảng Trị, bên dòng sông Thạch Hãn, sẽ là đêm “Khơi dậy thông điệp hòa bình vốn đã có sẵn trong mỗi con người, ở các góc nhìn hiện nay.

Ðặc biệt ở góc nhìn của những người trẻ, khơi dậy và lan tỏa cho thế hệ trẻ đó là cách tốt nhất giáo dục đạo lý cách mạng, cũng như chúng ta có cơ hội để đưa đất nước đến với vị thế mới. Vị thế mới đó cũng là cách mà chúng tôi khẳng định là định nghĩa của hòa bình”.

Vâng, gần 50 năm nay đất nước chúng ta căn bản có hòa bình, nhưng đừng quên cuộc chiến đấu nhằm xóa sổ chế độ diệt chủng Pol Pot và cuộc chiến nhằm bảo vệ Tổ quốc ở 6 tỉnh biên giới phía bắc vào năm 1979 và năm 1984 ở chiến trường Vị Xuyên. Chúng ta không quên gì cả. Chúng ta khát vọng hòa bình nhưng luôn biết rằng, muốn giữ gìn hòa bình được lâu dài thì đất nước phải cường thịnh, nhân dân ta phải có đời sống an vui, hạnh phúc, thế hệ trẻ của chúng ta phải được học hành và tham gia làm chủ đất nước, đưa Việt Nam tới một vị thế mới trong tất cả lĩnh vực, thực hiện bằng được khát mong của Bác Hồ về một nước Việt Nam mà “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Một đất nước văn minh, công bằng, dân chủ, người Việt Nam là đồng bào yêu thương nhau, sống tử tế với nhau, và Việt Nam thành người bạn chân thành với cả thế giới. Chiến tranh đã lùi về quá khứ, nhưng khát vọng trong hòa bình phải là khát vọng đất nước vươn mình cường thịnh, sánh vai những quốc gia phát triển trên hoàn cầu. Ðó là khát mong của những liệt sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh lớn bảo vệ Tổ quốc, khát mong của những liệt sĩ từng chiến đấu và hy sinh trong “81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị”, của những liệt sĩ mãi mãi nằm dưới lòng sông Thạch Hãn mà khát vọng hòa bình như dòng sông không bao giờ ngừng chảy.

Xem chương trình Khát vọng hòa bình ngay tại chiến trường cũ Quảng Trị do Báo Thanh Niên đồng phối hợp tổ chức, chúng ta thấy được khát vọng của những người tổ chức chương trình là mong muốn những vùng đất đau thương và anh hùng ngày chiến tranh giờ mạnh mẽ vươn lên thành những vùng đất hạnh phúc. Những con người sống ở những vùng đất ấy vượt qua được nghèo khổ, không còn yếu thế, sống đúng với ý nghĩa cao đẹp của con người. Ðó cũng là tiếp nối khát vọng còn dở dang của những liệt sĩ đã nằm xuống, rằng nhân dân mình được sống trong no ấm, công bằng, an lành và hạnh phúc, được mang hết sức lực và tâm trí của mình xây dựng quê hương đất nước cho người ngã xuống được an lòng, yên nghỉ, siêu thoát.

Muốn các liệt sĩ được siêu thoát thì những người đang sống phải sống tử tế, phải giáo dục con cháu mình bằng tình yêu thương và bằng những tấm gương sống tốt đẹp, nhân ái, công bằng. Trẻ con phải được chăm sóc, được đến trường, người già phải được chăm lo cho những năm cuối đời được sống trong bình yên, thanh thản. Và thanh niên, những người trẻ phải được tạo điều kiện tốt để thể hiện khát vọng trẻ, năng lượng trẻ, lao động trẻ, cống hiến trẻ của mình cho đất nước, cho chính cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của gia đình mình, cha mẹ mình, quê hương mình.

Khi khát vọng hòa bình đã thành hiện thực từ xương máu biết bao người hy sinh chiến đấu, thì khát vọng về một cuộc sống xứng đáng là cuộc sống cho tất cả đồng bào Việt Nam, phải là khát vọng của toàn dân tộc Việt Nam, đặc biệt là của những người trẻ Việt Nam, dù họ đang sống và làm việc ở bất cứ đâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.