Theo tuyên bố của Hamas, đề xuất mới nhất của Mỹ không bao gồm điều kiện ngừng bắn vĩnh viễn và quân đội Israel rút hoàn toàn khỏi Gaza. Điểm gây tranh cãi là đề xuất cho phép Tel Aviv đóng quân tại khu vực biên giới Gaza - Ai Cập, còn được gọi là hành lang Philadelphi. Điều này thuận theo yêu cầu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong khi Hamas cương quyết phản đối, trang Axios đưa tin.
Truyền thông Israel đưa tin ông Netanyahu vẫn bảo lưu lập trường để quân đội hiện diện tại hành lang Philadelphi, dù đã được các nhà đàm phán Israel cảnh báo đây có thể là yếu tố khiến thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza đổ vỡ. Vấn đề ở Philadelphi không được đưa vào khung đề xuất của Mỹ hồi tháng 5 do các bên trung gian hiểu rằng sẽ khó để Israel và Hamas đồng thuận về việc này, từ đó cản trở cơ hội đạt thỏa thuận.
Ngoại trưởng Mỹ đến Israel thúc đẩy ngừng bắn, Hamas nghi ngờ
Các nhà đàm phán Israel nêu rằng phái đoàn hòa giải của Mỹ, Qatar và Ai Cập thấy Thủ tướng Netanyahu không thực sự muốn có thỏa thuận khi không chấp nhận thỏa hiệp vấn đề kiểm soát biên giới Gaza - Ai Cập. Ông Netanyahu được cho là đã dội "gáo nước lạnh" vào những hy vọng về lệnh ngừng bắn khi khẳng định sẽ không có thỏa thuận nào nếu Hamas cương quyết đòi Israel rút quân khỏi hành lang Philadelphi. Hamas còn cáo buộc nhà lãnh đạo Israel đã thêm các điều kiện mới trong việc thả con tin và ngăn thường dân phải sơ tán xuống miền nam Gaza được tự do trở lại miền bắc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có mặt tại Tel Aviv, mang những nỗ lực của Washington trong thời điểm mà ông nói có thể là cơ hội cuối cùng để đạt thỏa thuận ngừng bắn và đưa con tin trở về. Trong cuộc gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog hôm qua, ông Blinken nói đây là lúc cần đảm bảo không bên nào thực hiện những hành động cản trở tiến trình ngừng bắn và leo thang xung đột, theo AFP.
Sau khi Hamas quay lưng với đề xuất mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói các cuộc đàm phán vẫn được tiếp tục, nhấn mạnh một thỏa thuận vẫn khả thi, trong khi Thủ tướng Israel Netanyahu cho rằng cơ hội để các bên nhất trí là không cao. Đàm phán bế tắc cũng có thể khiến Iran và lực lượng Hezbollah ở Li Băng trở lại kế hoạch tổ chức các cuộc tấn công trả đũa Israel, khi trước đó cả hai đều "án binh bất động" để chờ kết quả hòa đàm.
Bình luận (0)