Tiền điện của nhiều gia đình tại khu vực TP.HCM đã bắt đầu gia tăng từ tháng 4 - tháng 5 nhưng đến tháng 6 tiếp tục tăng vọt.
Nhà bà Kim Yến (quận 7, TP.HCM) vừa đóng tiền điện tháng 6 gần 1,2 triệu đồng, tăng 20% so với tháng 5 và tăng khoảng 40% so với các kỳ tháng 2, 3. Nhưng nếu xét về tốc độ tăng thì hai vợ chồng chị Hà cũng tại quận 7, TP.HCM là cảm thấy “chóng mặt”. Tiền điện tháng 6 của vợ chồng chị là 355.000 đồng, tăng gần 50% so với số tiền phải trả là 240.000 đồng của kỳ tháng 5. Hai vợ chồng chị chưa có con và đang ở nhà thuê. Còn nếu so với tiền điện các tháng đầu năm nay đều xoay quanh mức 140.000 - 145.000 đồng thì hóa đơn tháng 6 đã tăng hơn gấp đôi.
“Từ đầu năm đến nay tiền điện tháng sau đều tăng cao hơn tháng trước. Có lẽ tháng này cả hai vợ chồng đều giãn cách và ở nhà nhiều hơn nên sử dụng điện cũng nhiều hơn. Nhưng đáng lo là thu nhập của mình giảm mạnh do công ty giảm năng suất mà nhiều chi phí khác như điện, ăn uống, tiền thuê nhà... không thể giảm hơn nên nếu kéo dài vài tháng nữa thì mệt”, chị Hà lo lắng.
|
Hàng loạt người tiêu dùng khổ sở vì càng ở nhà, thu nhập càng giảm trong khi tiền điện càng nhiều. Anh Trung (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng cho hay tiền điện nhà anh từ 2,9 triệu đồng của tháng trước thì đợt này tăng lên 3,7 triệu đồng, tương ứng tăng gần 28%. Mặc dù tháng 5 do nắng nóng nên cũng đã tăng cao hơn tháng 3 và tháng 4 nhưng không cao như tháng 6.
Tương tự, nhà anh Việt (quận Tân Phú, TP.HCM) cũng đóng tiền điện tháng 6 gần 2 triệu đồng, tăng gần 30% so với tháng 5. Trái với đa số các hộ, nhà anh Việt vốn là kinh doanh hộ gia đình nên khoảng 1 tháng qua TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, hàng hóa hầu như không bán được. Đáng lẽ lượng điện phải tiêu hao ít hơn lúc bình thường thì ngược lại vẫn tăng...
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công suất tiêu thụ điện toàn quốc trưa 18.6 lại tiếp tục lập đỉnh mới là 41.709 MW. Bên cạnh đó, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc cũng đã lập mức đỉnh mới với mức 18.500 MW. Hiện nay miền Bắc, miền Trung đang diễn ra đợt nắng nóng gay gắt mới, bắt đầu từ ngày 16.6 và dự kiến kéo dài khoảng 1 tuần. Tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt nếu kéo dài sẽ làm nhiều thiết bị điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình.
EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 15 giờ, buổi tối từ 20 giờ đến 23 giờ. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26 - 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, cháy nổ về điện.
Bình luận (0)