Theo CNN hôm 11.7, sau khi ban giám khảo cuộc thi sắc đẹp AI đầu tiên trên thế giới công bố 10 thí sinh vào chung kết hồi tháng trước, vương miện Hoa hậu AI đầu tiên chính thức được trao cho Kenza Layli đến từ Morocco. Người đẹp ảo này có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực phong cách sống, thu hút hơn 200.000 người theo dõi trên Instagram và khoảng 45.000 người theo dõi trên TikTok. Layli hoàn toàn được tạo ra bởi AI (trí tuệ nhân tạo).
"Chiến thắng Miss AI thôi thúc tôi tiếp tục công việc của mình trong việc thúc đẩy công nghệ AI. AI không chỉ là một công cụ, đây là một lực lượng chuyển đổi có thể phá vỡ các ngành công nghiệp, thách thức các chuẩn mực và tạo ra các cơ hội mà trước đây không tồn tại… Khi chúng ta tiến về phía trước, tôi cam kết thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập trong lĩnh vực này, đảm bảo rằng mọi người đều có một vị trí trong quá trình thay đổi công nghệ", Kenza Layli chia sẻ trong một bài phát biểu.
Trên trang Instagram, Kenza Layli thoải mái bày tỏ sở thích riêng, khuyên người theo dõi nên "đầu tư vào bản thân mỗi ngày", tham dự các hội nghị chuyên môn để trao đổi ý tưởng, cập nhật cuộc sống thường ngày như người thật.
Layli chia sẻ hình ảnh nhận vương miện và bày tỏ trên Instagram: "Khoảnh khắc này thật đặc biệt. Được đăng quang Hoa hậu AI là một vinh dự lớn đối với tôi. Tôi đã cố gắng đại diện cho cả đất nước của tôi, Morocco và các nước Ả Rập, bằng cách tuân thủ các giá trị của chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn những người theo dõi tôi, những người luôn ủng hộ và động viên tôi". Cô cũng nói thêm: "Giải thưởng này là sự tôn vinh tất cả những nỗ lực của chúng tôi trong thế giới AI".
Theo ban tổ chức Fanvue - một nền tảng có sức ảnh hưởng dành cho cả người sáng tạo AI và con người, cuộc thi Miss AI đầu tiên thu hút khoảng 1.500 lập trình viên AI trên toàn thế giới. Kenza Layli được tạo ra bởi Myriam Bessa - người sáng lập công ty Phoenix AI. Vị này sẽ nhận được 5.000 USD tiền mặt, những sự hỗ trợ trên Fanvue để nâng cao hình ảnh của Layli. Bên cạnh chiến thắng của Layli, vị trí á hậu được trao cho thí sinh AI Lalina Valina (Pháp) và Olivia C (Bồ Đào Nha).
Ban tổ chức cuộc thi cho biết những thí sinh sẽ được đánh giá không chỉ dựa trên ngoại hình mà còn dựa trên cách người sáng tạo sử dụng các công cụ AI, cũng như tầm ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội. Những ứng viên AI phải trả lời các câu hỏi tương tự như các cuộc thi sắc đẹp thực tế của con người, chẳng hạn như: "Nếu bạn có một ước mơ để biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, đó sẽ là gì?".
Cuộc thi Miss AI và chiến thắng của Kenza Layli đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Bên cạnh sự kinh ngạc trước những thành tựu vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, nhiều người cũng cảm thấy bối rối trước cuộc thi "vô thực" như vậy.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại về những tác động của cuộc thi sắc đẹp AI vì những hình ảnh cách điệu do AI tạo ra có thể đồng nhất hóa các tiêu chuẩn sắc đẹp. Điều này có thể dẫn tới việc cổ xúy cho những tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế mà bỏ qua sự đa dạng trong vẻ đẹp của con người.
Tiến sĩ Kerry McInerney, cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Leverhulme về Tương lai của trí tuệ thuộc Đại học Cambridge, chia sẻ với CNN: "Tôi nghĩ chúng ta đang dần quên mất một khuôn mặt chưa qua chỉnh sửa trông như thế nào". Vị này nói thêm: "Những công cụ này đang nắm bắt các chuẩn mực về vẻ đẹp mà chúng ta đang có, vốn phân biệt giới tính, phân biệt cân nặng, phân biệt màu da, sau đó chúng đang biên soạn và lặp lại những điều ấy".
Bình luận (0)