Thái, một người chồng tồi, nhưng lại là người cha tốt. Khán giả từng ghét cay ghét đắng nhân vật này bởi thói vũ phu, xem thường vợ, mèo mả gà đồng, ngoại tình và tuyệt tình tuyệt nghĩa với người đầu ấp tay gối với mình suốt 10 năm. Nhưng từ tập 25 trở đi, sau khi trả giá cho những sai lầm, toan tính của mình, Thái “quay đầu” trở thành một nhân vật đáng thương nhất phim: phá sản, vỡ nợ, bị kiện cáo, gia đình tan vỡ và mắc bệnh nan y.
Nhưng chính Khuê đã thừa nhận chồng cũ rất thương con. Nên trong tập cuối cùng sau khi chồng cũ qua đời, Khuê mở va li quà mà Thái đã chuẩn bị trước đó cùng quyển nhật ký là tình tiết tạo điểm nhấn. Có lẽ đây là “tài sản” vô giá mà Thái muốn để lại cho hai cô con gái. Để vào những ngày sinh nhật của các con, Khuê sẽ thay anh đem những món quà này tặng con như vẫn luôn có bố ở cạnh.
Tình yêu thương của người cha có lẽ chính là điều ý nghĩa nhất mà nhân vật này có thể vớt vát tình cảm của người xem. Nhưng cao trào hơn cả là cái chết không rõ ràng của Thái, dù nguyên nhân là anh ta muốn lấy tim mình thay cho con gái bị tai biến khi phẫu thuật tim. Bởi Thái thừa hiểu với căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối thì trước sau gì anh cũng phải thi hành “án tử”.
|
Nhưng điều đáng nói là dù tình tiết này mang ý nghĩa nhân văn, làm người xem rơi nước mắt nhưng lại diễn biến quá nhanh, không hợp lý. Bởi Thái quyết định sau khi bàn với Bảo và Khang, sau đó khán giả không hề biết anh ta chết như thế nào? Khuê gặng hỏi Bảo thì Bảo lại nói lấp lửng, cho rằng đó là bí mật của đàn ông và Khuê nên tôn trọng lời hứa với người đã khuất.
Và theo như nhiều ý kiến trên trang Fanpape của phim thì hiến tạng trong y học phải từ những người chết não, phải làm rất nhiều xét nghiệm, phải phù hợp độ tuổi và đặc biệt không ghép tạng của người bị ung thư… Người xem cuối cùng không biết Thái tự tử hay chết kiểu gì... vì như vị bác sĩ trong phim đã giải thích rằng người ta không thể lấy tim của một người sống để thay cho người khác, kiểu như giết một người để cứu sống một người. Cách giải quyết tình huống này của biên kịch thật “quá nhanh quá nguy hiểm”.
Hoa hồng trên ngực trái tập cuối còn có tình huống khiến khán giả sốc theo nhân vật của bà Hồng mẹ Thái. Bởi diễn biến để cho người mẹ đáng thương này không biết một chút gì về bệnh tình của con trai trước đó nhưng lại đối mặt với cái xác của Thái sau khi bé Bống được thay tim. Người mẹ đã đối diện với cái chết của đứa con trai duy nhất một cách thảm khốc nhất, đau đớn nhất như kiểu từ “trên trời rơi xuống”. Nếu là trái tim của người mẹ bình thường rất khó vượt qua kiểu “sốt nhiệt” đầy ám ảnh này. Có cảm giác như việc cố gắng đẩy nhanh tình huống, diễn biến ở tập cuối khiến việc xây dựng tình tiết, nội dung không được logic và hợp lý.
|
Ở tập cuối cùng, Hoa hồng trên ngực trái còn gây khó chịu khi diễn biến tâm lý của nhân vật bé Bống bị “bỏ rơi” sau khi tỉnh lại. Bởi trước đó mong muốn của Bống là sau phẫu thuật tỉnh dậy sẽ nhìn thấy đầy đủ các thành viên trong gia đình. Nhưng việc “cắt ngang” diễn biến tâm lý của Bống, thậm chí vẻ mặt rất thản nhiên sau đó của Bống, biên kịch phim cho lướt qua, không đếm xỉa gì đến tâm trạng của cô con gái vừa mất bố một cách đột ngột khiến mạch phim trở nên loãng, khiên cưỡng.
Hoa hồng trên ngực trái là bộ phim đáng xem về tình cảm gia đình, hôn nhân, tình yêu… sau “cơn sốt” của Về nhà đi con. Đặc biệt ở phim này, cuộc sống của những người phụ nữ sau ly hôn được “bóc tách” một cách sâu sát. Một vài tình tiết không hợp lý ở cuối phim có lẽ là “hạt sạn” thường thấy trong các phim truyền hình Việt. Dù sao cái kết nhân văn, Khuê cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc xứng đáng và những giọt nước mắt đã rơi ở cuối phim của người xem cũng đã là sự trọn vẹn.
Bình luận (0)