Hoa khôi chuyển giới Việt: ‘Rất khó tìm được tình yêu thật sự’

27/05/2016 08:05 GMT+7

'Cô độc và cô lập là điều thường thấy ở người chuyển giới. Nó xuất phát từ việc gia đình không đón nhận, định kiến xã hội... Rất khó để người chuyển giới tìm thấy tình yêu đích thực trong đời', Mi tâm sự.

Trở về sau cuộc thi Transgender Star 2016, chương trình mang ý nghĩa tôn vinh tài năng và nét đẹp của người chuyển giới nữ ở Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào giữa tháng 5 vừa qua, mọi cảm xúc của Nguyễn Quốc Thắng (sinh năm 1994, tại Cần Thơ) dường như vẫn còn vẹn nguyên.

Trò chuyện với Thanh Niên, Quốc Thắng đề nghị gọi mình bằng cái tên Nguyễn Sử Yến Mi (Nguyễn Sử Yến là họ mẹ, còn Mi là tên bạn bè trong giới hay gọi Thắng). Qua những tâm sự, bên cạnh niềm vui khi trở về đúng với con người thật của mình, được cộng đồng đánh giá cao nhan sắc, thì đâu đó trong cô nỗi buồn vẫn luôn hiện hữu.

“Có những thiệt thòi mà người chuyển giới chúng em không thể nói hết…”, Mi bộc bạch.

‘Mẹ vẫn muốn con lấy vợ, sinh con’

Sinh ra trong gia đình có hai anh em ở TP.Cần Thơ, từ nhỏ Mi nhận thấy mình khác biệt so với những bạn nam đồng trang lứa. Mi thích mặc váy, muốn được trang điểm, say mê các trò chơi của con gái và đặc biệt mến các bạn trai. Tuy nhiên, ngày đó 9X không dám công khai điều này cho mẹ biết vì sợ bà đã rơi không ít nước mắt trong cuộc hôn nhân tan vỡ, nay lại thêm khổ tâm bởi đứa con trai duy nhất lại muốn làm… con gái!

Yến Mi (Quốc Thắng) khi còn nhỏ và em gái Ảnh: NVCC

Đến giai đoạn trưởng thành với thôi thúc khẳng định bản ngã, Mi quyết định công khai bạn trai, khiến gia đình bị sốc. “Có giai đoạn khi đi đâu, ai hỏi mẹ em có mấy người con, mẹ đều bảo có một, là em gái em, còn em coi như không tồn tại trên đời. Biết được điều đó, em buồn lắm nhưng em luôn tin rồi mẹ sẽ hiểu mình”, Yến Mi nhớ lại.

Đến năm lớp 11, vì nhiều lý do, Yến Mi bỏ dở việc học ở Cần Thơ lên Sài Gòn sinh sống. Năm 2012, Yến Mi lần đầu đăng ký tham gia cuộc thi sắc đẹp mang tên Next Top Angle 2012. Người đầu tiên Mi chia sẻ mong muốn này là dì bởi dì là người gần gũi và thấu hiểu cô nhất trong suốt chặng đường gian khó tìm lại chính mình.

Mi cảm thấy rất may mắn vì trải qua quá trình hậu phẫu chuyển giới khá thuận lợi, không có nhiều đau đớn, ít biến chứng Ảnh: NVCC

Nhờ sự tác động của dì và những nỗ lực khẳng định bản thân không ngừng qua các vòng thi của Mi, mẹ cô dần thay đổi ít nhiều định kiến. Bà bắt đầu hiểu được bên trong hình hài của một chàng trai của con, là tâm hồn nữ giới luôn khát khao được sống và yêu hết mình. Đây cũng là bước ngoặt khiến mẹ Mi từ một người kịch liệt phản đối con trai “come out” giới tính, trở thành người mang hết số tiền tích góp 135 triệu đồng, giúp con trai thực hiện ước mơ chuyển giới.

9X tâm sự: “Trước ngày lên đường bay sang Thái phẫu thuật, mẹ vẫn cầm tay em và nói: Trong tâm, mẹ vẫn muốn xem con là con trai, muốn thấy con lấy vợ sinh con như bao người bình thường khác, con có thể suy nghĩ lại được không? Em nói với mẹ: Con có thể làm tất cả những việc đó vì mẹ, nhưng nếu lựa chọn đó không làm con hạnh phúc, ngược lại suốt đời phải sống trong nỗi dằn vặt của bản thân, liệu mẹ có cảm thấy an lòng?”.

Sự thay đổi của Yến Mi sau khi chuyển giới khiến gia đình bất ngờ Ảnh: NVCC

"Con như hôm nay, một phần lỗi là ở mẹ, vì vậy mẹ sẽ sửa chữa những lỗi lầm của mình", đó cũng là câu nói theo Mi lên bàn mổ, giúp cô vượt qua 2 cuộc phẫu thuật đầy đau đớn để tạo ngực và vùng kín, vào năm 2015.

Người chuyển giới cô đơn và dễ bị lừa dối

Mi cảm thấy rất may mắn vì trải qua quá trình hậu phẫu khá thuận lợi, không có nhiều đau đớn, ít biến chứng. Hiện tại, cô đã hoàn toàn thích ứng với cơ thể mới và cảm thấy tự tin khi trở thành con gái đúng nghĩa, cả về ngoại hình lẫn tâm hồn.

“Người chuyển giới thường hay lạm dụng son phấn vì họ muốn che đi vẻ nam tính của mình, chứ không phải thích sự lòe loẹt hay muốn phô bày lớp mỹ phẩm nặng nề đó. Hiện nay, cũng rất hiếm người chuyển giới có được gương mặt đẹp tự nhiên và hoàn thiện, nếu chưa qua chỉnh sửa. Bản thân Mi ngày trước cũng xài phấn son rất nhiều nhưng hiện nay đã hạn chế…”, Mi tâm sự.

Mi đang tham gia nhóm người mẫu chuyển giới tại TP.HCM, cô gặt hái khá nhiều thành công ở các cuộc thi nhan sắc chuyển giới Ảnh: NVCC

Theo 9X người chuyển giới hiện nay vẫn còn đối diện với khá nhiều sự kỳ thị của gia đình và xã hội. Điều này khiến họ chán nản, suy nghĩ tiêu cực và dễ bỏ cuộc trong nhiều việc. Thất nghiệp chính là nỗi ám ảnh của những bạn trẻ như Mi bởi không bằng cấp, khác biệt ở giới tính, diện mạo… khiến họ càng khó được xã hội chấp nhận.

Ngoài ra, cô độc và cô lập là điều thường thấy ở người chuyển giới. Nó xuất phát từ việc gia đình không đón nhận, xã hội chê bai, định kiến bủa vây. Với những người yếu đuối, khi không tìm được chỗ dựa cho mình trong cuộc sống, họ dễ lầm lạc và sa ngã. Điều này khiến hình ảnh của người chuyển giới xấu đi trong mắt cộng đồng.

Yến Mi trải lòng về tình yêu: “Rất khó để người chuyển giới tìm thấy tình yêu đích thực trong đời, bởi điều duy nhất gắn kết họ lại với nhau ngoài tâm hồn ra, chẳng có gì khác. Mi cũng đã từng yêu, từng bị lừa dối nhưng rồi lại yêu và hạnh phúc trong tình cảm hiện tại. Có lẽ, tình yêu với người chuyển giới là thứ gì đó rất đẹp, đầy mê hoặc nhưng cũng rất nguy hiểm, song ai ai cũng muốn có”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.