'Hóa phép' cổ vật: Cảnh báo tham nhũng văn hóa

15/10/2022 07:30 GMT+7

Trong nghề chơi cổ ngoạn, đã qua rồi thời dân buôn giăng bẫy, đem hàng giả bán cho người chơi thật với giá ngất ngưởng.

Bây giờ, để bán được đồ giả, đồ sửa có giá cao mà lại an toàn, không sợ bị hồi lại, bảo tàng các địa phương là đích đến lý tưởng.

Năng lực hay tiêu cực ?

Ở các bảo tàng công lập, trong biên chế nhân sự có ít nhiều vài ba tiến sĩ. Riêng chuyên môn bảo tồn, bảo tàng thì miễn bàn bởi đấy là đất của các chuyên gia. Thế nên, chuyện người mua bán, thương lái đem đồ giả vào bán cho bảo tàng mong kiếm giá hời, chẳng khác gì chui đầu vào hang cọp. Nhưng không, đích đến của những món cổ vật nửa mùa ấy bây giờ phải là bảo tàng, dân buôn mới ăn đậm.

Bán đồ cổ cho bảo tàng thì sao ? Bảo tàng là nơi dân buôn chân chính ngại bán đồ nhất bởi giá mua thường thấp hơn thị trường, rồi đủ thể loại ban bệ xét duyệt, nhận được một đồng có khi mất cả năm chờ đợi cùng thủ tục nhiêu khê. (Cứ nhìn thông tư quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập đủ mồ hôi mẹ mồ hôi con vì phức tạp).

Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

PHONG AN

Ở các bảo tàng, hằng năm đều có kinh phí dành cho sưu tầm, con số bao nhiêu thì không dễ biết. Nếu công bố cụ thể cùng lượng hiện vật sưu tầm của năm đó, sẽ dễ dậy sóng dư luận. Hiện vật bảo tàng (đồ cổ) được sưu tầm hằng năm từ nguồn tiền ngân sách, nhưng chất lượng chỉ các chuyên gia trong hội đồng thẩm định, các bộ phận của bảo tàng nắm, ngay cả việc mua được hiện vật, hiếm hoi thấy đem trưng bày… Kẽ hở ấy tạo điều kiện cho người buôn móc ngoặc với một vài giới chuyên môn bảo tàng, lập dự án, cài vào đồ giả, đồ sửa, hoặc đúng đồ nhưng thị trường thừa mứa, giá rẻ mạt. Các hiện vật ấy về lý thuyết đã được hội đồng thẩm định kỹ càng, tiền bạc giải ngân xong, đồ được đem cất kỹ vào kho, chẳng ai biết mặt mũi ra sao nữa. Ở các thương vụ bán đồ cổ cho bảo tàng, tiền tuy về chậm, bên mua được lại quả, hậu sự thật an toàn, êm thấm. Người trong cuộc mỉm cười với nhau, như thế vui hơn là bán ra bên ngoài cho các sưu tập tư nhân.

Lĩnh vực đồ cổ gồm chủ yếu: Giới sưu tầm, chuyên gia - nhà nghiên cứu, và người buôn bán. Trong quan hệ tay ba này, chuyên gia và nhà buôn thường mâu thuẫn nhau. Chuyên gia ở đây là các nhà chuyên môn. Người buôn lại va chạm với cổ vật thường ngày, mua bằng cảm nhận bẩm sinh, hoặc kinh nghiệm trong nghề chứ không qua trường lớp. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu phán sai về đồ cổ cùng lắm là sửa lại, đính chính, còn người buôn nếu xuống tiền mua lầm đồ giả có khi mất cả gia tài, sạt nghiệp.

Học sinh tham quan trưng bày gốm Việt ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Nếu chuyên gia và nhà buôn kết hợp lừa đảo, hậu quả nhà nước sẽ lãnh đủ. Hiện nhiều nơi rầm rộ phát triển bảo tàng, có không gian hoành tráng nhưng thiếu hiện vật trưng bày. Kinh phí sưu tầm hằng năm có, giới buôn bán ma quái đưa đồ giả, đồ sửa vào các bảo tàng, việc mua bán diễn ra êm thấm. Ở đây, người bán không lầm. Chỉ có hai tình huống xảy ra: Một là các chuyên gia thiếu năng lực. Hai là có tiêu cực.

Người viết từng tiếp cận một bình gốm Lái Thiêu, hiện vật độc bản, có đến 3 bảo tàng cùng lúc hỏi mua nhưng đều yêu cầu người bán kê khống giá gấp 3 lần. Chiếc bình cuối cùng được một người sưu tập thỉnh về, 1/3 giá bảo tàng, tiền tươi. Chủ cũ chiếc bình bày tỏ: “Có đồ đẹp cũng muốn bán cho bảo tàng để còn cơ hội vào ngắm, nhưng phiền thủ tục, nhất là giá cả và chờ đợi xét duyệt. Thôi thì bán cho người chơi mau lẹ, đỡ phức tạp”.

Dĩ nhiên, không phải giao dịch nào giữa người buôn, người sưu tầm bán đồ lại cho bảo tàng cũng điều tiếng xấu. Nhưng câu chuyện sưu tầm, bổ sung hiện vật hằng năm từ các bảo tàng đang là kẽ hở để kẻ xấu cấu kết trục lợi.

Giám định, tin ai ?

Một điều lạ ở Việt Nam, lượng người sưu tầm cổ vật đông đảo, giao dịch hiện vật giá trị cao, chuyên gia trong ngành nhiều, nhưng thành lập trung tâm giám định cổ vật lại xưa nay hiếm. Mỗi khi có chuyện liên quan đến sưu tầm, ở cấp nhà nước, một hội đồng giám định lại được thành lập, với ban bệ đầy đủ, xong việc hay xong nhiệm kỳ (công nhận bảo vật quốc gia) là giải thể. Nếu có hẳn một trung tâm hay một công ty uy tín, câu chuyện giám định, đánh giá cổ vật, chắc chắn sẽ có đất diễn.

Lượng du khách đông đảo tham quan Bảo tàng Quảng Ninh

Công ty đầu tiên và hiếm hoi đến giờ có vai trò giám định cổ vật là Dấu Xưa, ra đời từ ngày 16.4.2013 nhưng hoạt động thật im ắng. Trong nghề giám định cổ vật, người có danh nghĩa chuyên môn, có bằng cấp thì “non” về kinh nghiệm thực tế. Giỏi kinh nghiệm thực tế chỉ liếc qua đủ phân biệt đồ thật giả (bởi là dân buôn lão luyện trong nghề) thì lại không có tiếng nói khẳng định uy tín. Người buôn cũng “tà ma” đủ loại, thật giả khó lường, yếu tố đấy khiến cho niềm tin vào việc giám định càng gặp khó.

Một nhà buôn giấu tên ở đường Lê Công Kiều (Q.1, TP.HCM) tiết lộ bí kíp: “Dân buôn bọn anh muốn giả thì giả, muốn thật là thật, có gì mà phải lăn tăn”. Ngộ nhỡ người mua phát hiện ra đồ giả thì sao? Câu trả lời ngã ngửa: “Buôn đồ cổ giỏi phải biết bán đúng chỗ, đúng người, đúng thời điểm. Người chơi giỏi thì không trúng mua đồ giả. Bọn mua đồ giả thường là ếch, lắm tiền, lỡ có biết giả nó cũng chẳng dại khoe cái ngu đấy làm gì. Và nó sẽ im im bán ngu cho thằng khác. Còn ở Việt Nam, nói luôn, chẳng đơn vị giám định nào uy tín cả. Gửi sang nước ngoài giám định thì chi phí cao, mang đi mang lại qua hải quan rườm rà nên chẳng ai dại đem đi giám định đâu”.

Tác hại của “bảo vật quốc gia” không đạt chuẩn

Nhà nghiên cứu gốm Việt Nguyễn Đình (ngụ Hà Nội) bức xúc: “Chuyện gì sẽ xảy ra khi sau này chính con cháu lao đầu vào nghiên cứu, học hỏi, phát huy giá trị từ những bảo vật rởm đời như thế? Chuyện gì sẽ xảy ra khi giới nghiên cứu, người yêu cổ vật, hay bạn bè quốc tế muốn tìm hiểu, nghiên cứu hoa văn, họa tiết trên bảo vật quốc gia của VN, lại va phải những thứ được thêm thắt trong giai đoạn phục chế, với sắc màu, kỹ thuật, cốt thai không là nguyên bản. Hay phải có chú giải ở góc này là hoa văn gốc, góc kia mới được vẽ vào?…”.

Bảo tàng quốc gia - biểu tượng sống động của dân tộc độc lập

GS Patrick J. Boylan, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế bảo tàng học của Hội đồng bảo tàng quốc tế (ICOM), cho biết 4 biểu tượng sống động nhất của một dân tộc độc lập và cũng là 4 công cụ có sức sống nhất để liên kết mọi người, xây dựng một quốc gia thịnh vượng (theo thứ tự) gồm: Lực lượng quốc phòng hùng mạnh, phương tiện truyền thông (thương hiệu) quốc gia, bảo tàng quốc gia và trường đại học.

T.H.Nam, nhà sưu tập gốm Việt, ngụ TP.HCM, ngán ngẩm nói về thực trạng: “VN có một số bảo tàng tư nhân chỉ thấy danh (giám đốc bảo tàng) không có thực (không địa điểm trưng bày), cũng chẳng rõ hiện vật sưu tầm ở mức nào. Cứ đà “bán” giấy phép kiểu này, đầy đường là “giám đốc bảo tàng” và nhà nhà có “bảo vật quốc gia””.

'Hóa phép' cổ vật

Thổi giá

Biến mảnh vỡ thành báu vật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.