Họa sĩ Châu Giang thổ lộ về nội tâm của người phụ nữ

18/09/2018 12:58 GMT+7

Sau 7 năm, kể từ triển lãm Ẩn hoa (Hidden Flowers) tại gallery Thavibu ở Bangkok (Thái Lan), họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang vừa trở lại với buổi ra mắt triển lãm cá nhân ngay giữa lòng Sài Gòn.

15 tác phẩm gợi lên những mâu thuẫn bên trong mỗi người được trưng bày ở triển lãm Insider of me (Bên trong tôi) đang diễn ra tại gallery Vin (6 Lê Văn Miến, P. Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) từ nay đến ngày 20.10.
Họa sĩ Châu Giang Ảnh: Diễm Thư

Vừa ngắm tranh vừa trò chuyện với nữ họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang để thấm hơn về nội tâm của người phụ nữ.
*Vì sao chị lại chọn rồng làm linh vật đại diện cho người phụ nữ?
- Họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang: Hình ảnh con rồng vốn tồn tại trong truyền thuyết của con người - biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực. Ở Việt Nam và châu Á, con rồng là biểu tượng cho sự may mắn và phồn vinh; trong khi phương Tây lai mô tả nó như một con vật tàn ác. Ngoài ra, chính khả năng thoắt ẩn thoắt hiện mà con rồng trở nên đầy mâu thuẫn. 
Triển lãm Insider of me (Bên trong tôi) đang diễn ra tại gallery Vin. Ảnh: Diễm Thư

*Trong phong thủy, hình ảnh con rồng màu xanh biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành. Vậy hình ảnh con rồng màu đỏ luôn song hành cùng con rồng màu xanh trong tranh của chị có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi chọn màu sắc theo cảm xúc của mình. Đối với tôi, màu xanh có ý nghĩa tốt đẹp, còn màu đỏ thể hiện cảm xúc tiêu cực, giận dỗi, tức giận. Sắc đỏ thể hiện những cảm xúc khiến cho con người mình bức bối. Màu xanh và màu đỏ thể hiện hai thái cực khác nhau trong con người. Các bức tranh của triển lãm Insider of me thể hiện sự mâu thuẫn bên trong mỗi con người, mà đã là con người thì có cảm xúc tích cực và có cả cảm xúc tiêu cực. Bản thân tôi, cũng như nhiều người khác chẳng ai thánh thiên 100%, ngoại trừ các bậc thánh nhân. Trong con người mình luôn song hành những cái rất tốt đẹp và có những thứ đối lập với mặt tốt đẹp. 
"Ngắm những các tác phẩm, ta sẽ thấy tái hiện hình ảnh con rồng vốn đã tồn tại trong truyền thuyết của con người - biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực. Ở VN và châu Á, con rồng là biểu tượng cho sự may mắn và phồn vinh; trong khi phương Tây lai mô tả nó như một con vật tàn ác. Chính khả năng thoắt ẩn thoắt hiện mà con rồng trở nên đầy mâu thuẫn", họa sĩ Châu Giang nói.

* Nhưng có người sẽ không hài lòng với hình ảnh người phụ nữ được khắc họa trong tranh của chị. Họ cho rằng nếu chị muốn tôn vinh phụ nữ thì nên thần thánh họ bằng hình ảnh thướt tha hoặc gương mặt thanh thoát?
- Chuẩn mực cái đẹp của mỗi người mỗi khác nhau. Đối với tôi, một người phụ nữ được gọi là đẹp sẽ sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, đẫy đà. Thậm chí có nhiều người nói người phụ nữ trong tranh của tôi không cân đối như ngực to, mông to... Nhưng với tôi thì những người phụ nữ ấy đại diện cho cái đẹp. Bởi phụ nữ không phải ai cũng chân dài hay ai cũng eo thon… Những người phụ nữ mập mạp thể hiện được sự hồn hậu, sự thịnh vượng và tôi thích vẻ đẹp đó. Nếu bạn hỏi các họa sĩ khác, có lẽ họ cũng sẽ nghĩ giống như vậy thôi. Quan niệm về người phụ nữ đẹp trong nghệ thuật cũng có khác với người thường. 
Rồng là biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực Ảnh: Diễm Thư
* Hay nói ngược lại, chị yêu dáng vẻ ấy là vì bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực trong nghệ thuật?
- Theo nghĩa đen, tôi thích những người phụ nữ có bụng bự, thậm chí có người phụ nữ mập hơn bình thường nhưng tôi vẫn thấy rất đẹp. Những người phụ nữ có dáng vẻ đẫy đà được đưa vào tranh thì rất đẹp. Tuy nhiên, mọi người nên nhớ rằng vẻ đẹp của nguời phụ nữ nằm ở bên trong. Tôi là người không cởi mở trong cuộc sống hàng ngày, và có lẽ nhiều người phụ nữ VN cũng như vậy. Có những điều không vừa ý hay bất đồng thì phụ nữ VN sẽ giữ bên trong lòng rồi nhẫn nhịn, họ cũng hiếm khi nói ra được chính kiến của mình. Nhiều người sẽ nói tính cách này khiến cho người phụ nữ VN nhu nhược nhưng tôi lại cho rằng họ có sức mạnh tiềm ẩn. Họ mong manh yếu đuối nhưng lại mạnh mẽ. Sức mạnh ấy giúp họ có thể chịu đựng được mọi thứ và vượt qua được mọi điều không mong muốn trong cuộc sống. 
Hình tượng con rồng xanh và đỏ trong tranh của họa sĩ Châu Giang. Ảnh: Diễm Thư

*Chất liệu lụa được sử dụng trong BST thì mềm mại, hình ảnh con rồng thì mạnh mẽ. Phải chăng thế giới bên trong của người phụ nữ luôn song hành những mâu thuẫn?
- Từ chất liệu lụa, hình tượng con rồng và cả cách treo tranh đều thể hiện sự mong manh nhưng cũng rất mạnh mẽ. Người phụ nữ tưởng chừng mềm yếu nhưng thật ra họ có nội lực. Chất liệu lụa vốn mong manh, truyền thống nhưng mình lại không vẽ theo kiểu truyền thống. Khi vẽ tôi đưa nghệ thuật đương đại vào để tranh mang hơi thở thời đại, chẳng hạn đối với lụa, người ta thường sử dụng màu nhạt nhưng tôi lại vẽ màu đậm và tương phản nhau. Sự đối lập được khắc họa trong tranh nhằm thể hiện mâu thuẫn. Ngoài ra, khi treo tranh, có bức tôi treo theo kiểu truyền thống nhưng có bức tôi treo kiểu đương đại.  
Cách treo tranh giúp người thưởng lãm tương tác giữa nội dung bức tranh với mọi thứ xung quanh. Ảnh: Diễm Thư

* Chị muốn gửi gắm điều gì đến với người thưởng lãm khi treo tranh theo kiểu đương đại như thế?
- Khi tìm hiểu kỹ bạn sẽ thấy một vài bức tranh trong BST tôi vẽ ở cả hai mặt của lụa. Nếu bạn ngắm tranh thì sẽ thấy có khu vực mặt này và mặt bên kia giống nhau, nhưng có khu vực lại là hai mảng màu đậm nhạt khác nhau. Cảm xúc của tôi khi vẽ hai mặt cũng khác nhau, giống như con rồng trong bức tranh này thoắt ẩn thoắt hiện, lúc thì rõ, lúc thì mờ đi, lúc ở phía bên này nhưng lúc lại ở phía bên kia. Mọi thứ không rõ ràng trên một mặt mà mình phải nhìn từ phía hai mặt. Lụa có tính chất xuyên thấu, tôi muốn treo lên để người thưởng ngoạn có thể ngắm tranh và tương tác giữa nội dung của bức tranh với mọi thứ xung quanh. Thay vì mình mặc định bức tranh như ở cách treo truyền thống thì bây giờ người ngắm tranh có thể có cách nhìn mới. Ví dụ chỉ cần một bóng người đi qua bức tranh là bạn đã thấy bức tranh có sự biến chuyển khác và nó tạo ra một cảm xúc khác biệt.
 
Họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang sinh năm 1975 tại Hà Nội. Năm 8 tuổi, chị vào sinh sống tại TP.HCM cùng với gia đình. Chị là một nghệ sĩ có tầm ảnh huởng với các tác phẩm về vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật, chị nhận học bổng của trường Mỹ thuật Paris. Đến năm 2004, Châu Giang trở thành nghệ sĩ lưu trú của tổ chức CAVE ở New York.
Nữ họa sĩ Châu Giang hai lần được chọn là một trong 10 nghệ sĩ trẻ tài năng TP.HCM vào năm 1997 và 1999. Chị tham gia nhiều triển lãm quốc tế và những tác phẩm của chị có mặt trong BST của các bảo tàng như: Bảo tàng Mỹ thuật Singapore, Bảo tàng Hermitage (St Petersburg, Nga).

 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.