Họa sĩ Đặng Quý Khoa, thế hệ Mỹ thuật Đông Dương mang hương thu vào Sài Gòn

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
01/10/2022 16:07 GMT+7

Bộ sưu tập tranh của họa sĩ Đặng Quý Khoa, thế hệ Mỹ thuật Đông Dương vừa khai mạc sáng 1.10 và kéo dài tới hết ngày 15.10 tại The World ArtSpace (21 Võ Trường Toản, TP.Thủ Đức, TP.HCM), như mang hương thu Hà Nội vào Sài Gòn.

Họa sĩ Đặng Quý Khoa, người thầy gắn bó với bao thế hệ học trò tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trường Đại học Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng... Ông tốt nghiệp khóa 1, hệ chính khóa chuyên khoa Sơn dầu (1957-1962) của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương), cùng lứa với các họa sĩ nổi tiếng như: Vũ Giáng Hương, Lê Thiệp, Phạm Công Thành, Nguyễn Ngọc Thọ...

Tranh lụa của họa sĩ Đặng Quý Khoa khai thác vẻ đẹp đặc thù của chất liệu lụa: óng ả, nhung mịn, giàu chất thơ, chất hiện thực

World ArtSpace

Sinh ra trong gia đình có văn hóa, nề nếp, phong cách thanh lịch của người Tràng An đã thấm vào con người ông, thể hiện đậm nét ở cách cư xử niềm nở, hòa nhã và lối ăn nói lịch lãm, điềm đạm, nhẹ nhàng pha chút thâm thúy. Xem tranh của họa sĩ Đặng Quý Khoa, bạn sẽ cảm nhận được chất văn hóa ấy trong con người ông từ cách chọn đề tài đến lối biểu hiện lên tác phẩm.

Tranh lụa của họa sĩ Đặng Quý Khoa khai thác vẻ đẹp đặc thù của chất liệu lụa: óng ả, nhung mịn, giàu chất thơ, chất hiện thực... khoe được “thớ dọc”, “ganh ngang” của chất liệu lụa. Đề tài họa sĩ gốc Hà Nội chọn trong mỗi tác phẩm mang chủ đề bình dị, thường nhật... nhưng luôn hàm chứa một triết lý nhân sinh được gửi gắm mềm mại vào đường nét hay câu chuyện.

Bộ sưu tập hàng trăm bức tranh lụa và màu nước của họa sĩ Đặng Quý Khoa được các nhà sưu tập thuộc The World ArtSpace cất công từ Sài Gòn ra Hà Nội sưu tập từ nhiều năm qua mới khai mạc tại TP.HCM sáng nay, nhẹ nhàng như chút hương mùa thu dịu dàng giữa trời Sài Gòn.

jỞ tranh sinh hoạt miền núi, ngoài cảnh gặt lúa quen thuộc, còn có những sinh hoạt bên suối như thiếu nữ tắm, thiếu nữ khỏa thân..

World ArtSpace

TS Đặng Thị Phong Lan (con gái họa sĩ Đặng Quý Khoa) - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Sự nghiệp của bố tôi gắn bó với sáng tác và giảng dạy mỹ thuật. Trong sáng tác ông thể hiện sự đam mê, không ngừng tìm tòi, sáng tạo trên nhiều chất liệu từ sơn dầu, lụa, sơn mài đến sơn khắc, giấy dó... Ở tranh phong cảnh miền núi, sự tĩnh mịch, hoang sơ của tạo hóa được tác giả nhấn mạnh ở vẻ tự nhiên của đá núi, cây cỏ, thác nước, một vài con thuyền neo đậu bên bờ tạo cảm giác u tịch... Phong cảnh làng bản được diễn tả từ điểm nhìn trên cao, trong buổi hoàng hôn hay dưới ánh trăng... Tất cả như hiện lên trong ký ức mờ ảo, thấp thoáng những mái nhà, cây cỏ, đá núi đang chìm trong sự tĩnh tại của không gian, núi rừng, thiên nhiên. Với tranh phong cảnh vịnh Hạ Long, tác giả khai thác sự tương phản của cảnh vật, giữa vẻ đồ sộ, tĩnh tại của núi, yên ả của sông với hình ảnh những mái nhà nhỏ lô xô, những con thuyền rực rỡ sắc màu để gợi nên sức sống vùng ven biển. Phong cảnh và sinh hoạt nhộn nhịp vùng sông nước Nam bộ cũng được hoạ sĩ thể hiện trong một số tác phẩm gặt lúa, chợ nổi trên sông. Một số tác phẩm tiêu biểu: Hạ Long (màu nước trên giấy), Chợ nổi (lụa)...".

Trong tranh sinh hoạt, họa sĩ đưa người xem trở về với đời sống, lễ hội đặc trưng của từng vùng miền hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên và kiến trúc

World ArtSpace

Cũng theo bà Phong Lan: “Trong tranh sinh hoạt, họa sĩ đưa người xem trở về với đời sống, lễ hội đặc trưng của từng vùng miền hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên và kiến trúc. Nơi thành thị là cảnh sinh hoạt gia đình, đi chợ tết, hát xẩm trên phố cổ Hà Nội, đi lễ chùa, rước đèn Trung thu... Ở nông thôn Bắc bộ là sinh hoạt đầm ấm của những ông bà già vui đùa cùng con cháu hay trong công việc thường ngày như đan giỏ, vá lưới, buông câu, hút điếu cày... Ở tranh sinh hoạt miền núi, ngoài cảnh gặt lúa quen thuộc, còn có những sinh hoạt bên suối như thiếu nữ tắm, thiếu nữ khỏa thân... Ngoài tranh sinh hoạt của người dân Tây Nguyên như cưỡi voi, uống rượu thì ở thể loại tranh sinh hoạt lịch sử, họa sĩ Đặng Quý Khoa khá thành công với những chủ đề như: Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long, Hồ Xuân Hương, Mỵ Châu, Trọng Thủy, Vua Hùng, Sự tích bánh chưng, bánh dày... Trong thể loại tranh này, họa sĩ khai thác nét đẹp cổ kính của kiến trúc kinh thành Thăng Long cùng những mô típ hoa văn truyền thống như tiên, rồng, phượng..., trang phục dân tộc, đồ thờ, đồ rước như trống, kiệu, cờ quạt, võng lọng. Ngoài ra họa sĩ vẽ khá nhiều tranh tĩnh vật với hình ảnh những chú mèo xinh xắn cùng đồ vật hay hoa trái. Tranh thiếu nữ khỏa thân cũng là mảng đề tài được tác giả thể hiện trên nhiều chất liệu như lụa, giấy dó, sơn dầu, bột màu...".

Ở nông thôn Bắc bộ là sinh hoạt đầm ấm của những ông bà già vui đùa cùng con cháu hay trong công việc thường ngày trên phố

World ArtSpace

Giới hội họa nhận định, PGS - họa sĩ Đặng Quý Khoa là người ham nghiên cứu tự hoàn thiện mình, đọc nhiều, hiểu rộng các nền văn hoá, nhất là triết học phương Đông, tinh thông kiến thức về lịch sử mỹ thuật, yêu nghệ thuật và thơ ca. Đảm nhận chức vụ Trưởng khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, giảng dạy các học phần về lý thuyết nhưng niềm đam mê của ông vẫn là vẽ tranh, không ngừng sáng tạo và đều đặn trưng bày triển lãm cá nhân gây bất ngờ, thích thú cho người xem.

Tin vui cho giới mỹ thuật phương Nam

Kể từ ngày 1.10.2022, The World ArtSpace đã chính thức ra đời tại 21 Võ Trường Toản, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Dù nền tảng còn non trẻ nhưng mang đầy tâm huyết với những người yêu mỹ thuật Việt, phấn đấu trở thành một trung tâm kết nối, giới thiệu tới công chúng những thành tựu nghệ thuật Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, đã được lưu giữ và bồi đắp từ hàng thế kỷ qua. The World ArtSpace sẽ hỗ trợ hết mình cho các họa sĩ trẻ muốn bắt đầu con đường nghệ thuật với triết lý nghệ thuật riêng biệt.

Ngay sau khi kết thúc triển lãm tranh của họa sĩ Đặng Quý Khoa, đầu tháng 11 tới sẽ là sự hiện diện của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng tới từ TP.Đà Nẵng. Đầu tháng 12 sẽ là triển lãm của hai họa sĩ Ngô Thanh Hùng và Đặng Thị Phượng (Đà Nẵng). Từ ngày 20.12 tới hết tháng 12.2022 là triển lãm cá nhân của họa sĩ Hà Hùng Dũng.

Dự kiến tháng 2.2023 sẽ triển lãm bộ sưu tập của các nhà sưu tập The World ArtSpace đã sưu tầm và đang lưu giữ. Tháng 3.2023 triển lãm Họa sĩ Ngô Đồng vẽ bạn bè. Tháng 5.2023 triển lãm cá nhân của họa sĩ Lâm Đức Mạnh tới từ Hà Nội. Tháng 8.2023 dự kiến triển lãm cá nhân họa sĩ Đinh Văn Sơn. Tháng 10 hoặc tháng 11.2023: dự kiến triển lãm tranh của họa sĩ Iris từ Singapore và tháng 11.2023 dự kiến triển lãm cá nhân họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền.

Dịp này NXB Mỹ thuật cũng ra mắt cuốn sách mới, giới thiệu 160 tác phẩm của họa sĩ đa tài Đặng Quý Khoa, được phân chia theo các mảng đề tài phong phú, đa dạng để người xem thấy được mạch sáng tác và lối nhìn riêng, không ngừng sáng tạo của một họa sĩ lão thành - một người thầy kính yêu của bao thế hệ học trò.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.