Tạ Huy Long, Lê Chí Hiếu, Tạ Lan Hạnh, Nguyễn Thành Phong, Đỗ Hữu Chí, Bùi Hoài Nam, Trần Thu Hương, Nguyễn Thanh Sơn, người bắt đầu sáng tác truyện tranh từ hàng chục năm trước, người mới bước vào nghề được vài năm. Mỗi người mang đến một phong cách thể hiện riêng: truyện tranh theo lối cổ điển, truyện tranh người lớn, truyện tranh không lời thoại, không có cốt truyện, chỉ dẫn dắt cảm xúc độc giả. Không phủ nhận việc ảnh hưởng truyện tranh nước ngoài, nhưng ít nhiều các tác giả đã có những nét cá tính riêng, không ai giống ai. Hơn hết, công chúng có thể nhìn rõ một góc diện mạo họa sĩ truyện tranh Việt, trong đó hầu hết là những họa sĩ trẻ, thậm chí thuộc thế hệ 9X (Tạ Lan Hạnh, Trần Thu Hương).
|
Nhìn vào đó thì thấy số các họa sĩ truyện tranh đâu quá ít, và hầu hết là những gương mặt còn trẻ, liệu tương lai truyện tranh Việt sớm khởi sắc? “Tôi không dám chắc về điều đó, nhưng thực tế là đang có những đợt sóng ngầm. Các họa sĩ trẻ có lợi thế là tràn đầy năng lượng, chưa vướng víu gì, nhưng để đi theo con đường lâu dài lại là chuyện khác”, họa sĩ Tạ Huy Long nói.
Các họa sĩ trẻ cần được hỗ trợ khi con đường phía trước nhiều khó khăn. Chuẩn bị tốt nghiệp đại học, Trần Thu Hương quyết định sẽ đi theo con đường sáng tác truyện tranh chuyên nghiệp, lâu dài, nhưng cô cũng xác định sẽ “khó sống” với đam mê. Để cho ra đời một tác phẩm truyện tranh dài, các tác giả phải đầu tư công sức tới hàng tháng, nhưng tiền nhuận bút lại quá ít ỏi. Vì thế, hầu hết các họa sĩ đều có những công việc khác song song với sáng tác truyện tranh. “Tôi sẽ làm những công việc khác liên quan đến vẽ, chẳng hạn như vẽ quảng cáo”, Hương chia sẻ.
Họa sĩ Tạ Lan Hạnh cho rằng: “Sáng tác truyện tranh ở ta không có truyền thống, mới đang ở những bước đầu tiên, vì vậy độc giả chưa có thói quen đọc truyện tranh trong nước. Chính vì thế, các họa sĩ cần sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản”. Với họa sĩ Tạ Huy Long thì “chả mấy ai dại đầu tư vào truyện tranh vì khó thu lợi nhuận”. Nhưng không phải vì thế mà không có những tia sáng từ phía các nhà xuất bản. Sau khi những tác phẩm nhỏ được xuất bản trên các tạp chí, một nhà xuất bản đã ngỏ ý thực hiện một tác phẩm truyện tranh dài với anh. Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Khánh Dương cho ra mắt tác phẩm Orange ngay lập tức tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. Thành Phong mang đến bài học cần thiết cho các họa sĩ trẻ: cần biết “tiếp thị” bản thân. Chính anh đã bước những bước nhỏ, cho thấy khả năng, để từ đó tiến đến những dự án dài hơi.
Theo Nguyễn Thành Phong thì hạn chế lớn nhất họa sĩ truyện tranh Việt chính là thiếu những kịch bản hay - yếu tố quan trọng để thu hút và níu giữ độc giả. Vừa qua, truyện tranh dành cho người lớn của Thành Phong - Bé lợn, lớn bò đã gây chú ý mạnh cho cộng đồng mạng. Rất nhiều ý kiến tỏ ra thích thú, khen ngợi vì ý nghĩa thâm thúy của câu chuyện. Điều đó cho thấy nếu cốt truyện hay thì độc giả đâu có hờ hững với truyện tranh Việt.
Đầu vào tốt, đầu ra thuận lợi tất nhiên là những yếu tố để truyện tranh Việt phát triển. Sự hỗ trợ từ phía các nhà xuất bản sẽ là rất cần thiết, nhưng bên cạnh cũng cần sự tự vận động của chính các họa sĩ.
Minh Ngọc
>> Chiếu phim miễn phí cho thiếu nhi
>> Bạn trẻ sáng tác truyện tranh
>> Tìm đường cho truyện tranh Việt
>> Liên hoan fan truyện tranh trẻ năm 2005
Bình luận (0)