Những người trồng hoa Tết thường phải giáp mặt với đám xì ke, nghiện ngập, chưa kể hiếm khi nào, họ được đón giao thừa trên chính quê hương mình.
Anh hai Hùng lùa vội bát cơm để ra phụ vợ mình bán - Ảnh: Trác Rin |
Vậy nên, cứ độ năm cũ sắp qua, ai nấy đều trông ngóng, mong sao việc bán buôn có được phép màu, để họ chạy ghe thiệt nhanh về nhà đón cái tết với con cái, gia đình.
Chiều tối, những cơn gió đầu xuân cứ thổi hiu hiu trên khu vực bến Bình Đông. Chúng tôi được mấy anh nhà vườn bán hoa mai, hoa kiểng ở đây rủ rê ngồi nhâm nhi ly trà còn nóng hổi. Họ còn mời cả miếng bánh, chén cơm vừa mới nấu xong… để tám chuyện về cái nghề mà nhiều anh nông dân đã xém chút nữa bỏ nghề.
Đón giao thừa trên sông
Lùa vội bát cơm, anh hai Hùng (38 tuổi, quê H. Chợ Lách, Bến Tre) cho hay mỗi một mùa tết là như cả ván cược trong một năm. Anh trồng mai cũng ngót nghén đã 8 năm. Phải chăm chút tỉa cành, lặt lá mai sao cho đúng ngày chứ sớm, hay muộn một ngày thôi cũng ôm đủ. Rồi tiết trời, gió mưa thế nào, cái nghề tưởng chừng như đơn giản, mà “sai một li, đi một dặm” cũng chẳng chơi.
Nhọc nhằn khiêng từng chậu mai từ dưới ghe lên bờ bày bán - Ảnh: Trác Rin
|
|
|
|
Nói thiệt hen, hồi trước làm ăn còn đỡ, chứ chừng 3 năm trở lại đây, xong một mùa tết là tui lại tính đường… bỏ nghề. Mà nhiều khi cái nghề nó chọn mình rồi, bí quẫn cùng cực thế nào tui cũng bắt tay vào chăm mai mùa tới. Với dưới quê mà, bỏ nghề thì biết làm gì.
|
|
|
Anh hai Hùng
|
|
|
“Tui theo nghề này đã 8 năm. Nói thiệt hen, hồi trước làm ăn còn đỡ, chứ chừng 3 năm trở lại đây, xong một mùa tết là tui lại tính đường… bỏ nghề. Mà nhiều khi cái nghề nó chọn mình rồi, bí quẫn cùng cực thế nào tui cũng bắt tay vào chăm mai mùa tới. Với dưới quê mà, bỏ nghề thì biết làm gì”.
Anh Hùng còn cho hay phải vừa chăm mai, vừa đi bốc vác kiếm thêm mới đủ nuôi sống 3 miệng ăn.
Vừa dứt câu, chị út Hồng, vợ anh, vừa bán xong cho khách chậu mai liền chen ngang. Chỉ bảo từ lúc đôi vợ chồng cưới nhau hồi còn trẻ, rồi sinh con tính ra cũng đã 6 năm. Kể từ đó, cũng là ngày chị không còn tề tựu, quay quần với người thân trong giây phút thiêng liêng của năm mới. Đứa con nhỏ sắp bước qua tuổi thứ 4 cũng y chang, cứ lênh đênh đón giao thừa trên sông nước cùng cha mẹ.
Phía lô bán bên cạnh, chú ba Nam, dù đã 64 tuổi rồi mà vẫn đơn chiếc, một thân một mình bán mai, bon kiểng mùa tết ở Sài Gòn. Chú cứ nằm gọn lỏn trên chiếc ghế xếp, khách ai vào lựa gì thì chú bán, chứ không mời chào hay thách giá cả gì.
Ngóng trông khách ghé mua - Ảnh: Trác Rin
|
“Nhà tui tận dưới Vũng Liêm, Vĩnh Long lận. Bận trước làm nghề này còn có dư, chứ giờ thì hên xui lắm, trúng mùa thì có mười mấy hai chục triệu ăn tết, còn không thì chỉ huề vốn liếng thôi”. Chú Nam cho biết.
Người nông dân từ dưới quê, chăm bón cây ròng rã cả năm. Xong lên Sài Gòn đụng đâu cũng… mất tiền, buôn bán chẳng khá hơn những năm trước nên ai nấy đều ỉu xìu, nét mặt đầy lo toan.
“Tiền thuê ghe 7 triệu, tiền thuê mặt bằng 6 triệu, tiền mua nước tưới, thắp một bóng đèn tốn 30 ngàn… đủ thứ tiền hết trơn. Khách vào đây mua chậu mai hai trăm ngàn mà mấy ông xe ôm đòi lấy công chở một trăm ngàn, thành ra khách họ ngắm nghía đã đời rồi cũng không mua”, chú Nam rầu rĩ.
Mong cho năm nay bán cây được đắt khách, để những người bán cây được đón cái tết trọn với con cái, gia đình - Ảnh: Trác Rin
|
Đối mặt hiểm nguy
Đêm hôm bán buôn, lại đúng dịp tết nên đám xì ke, nghiện ngập thường “ghé thăm”. Lúc thì bị khiêng chậu cây, có khi bị “xin” cây mai, cây quất về nhà chưng chơi.
Chừng 8 giờ tối ngày 31.1, khi đang mải miết trò chuyện với chú ba Nam, bất thình lình một thanh niên, trạc 25 tuổi đi xộc thẳng ra mé ghe của vợ chồng anh hai Hùng, người này thản nhiên xoăn tay áo, chích ma túy trước sự ngỡ ngàng, lo sợ của anh chị.
"Khiếp quá. Thấy nó vạch vạch sợi gân tay mà tui run luôn đó!", chị út Hồng tím tái mặt mày thốt lên.
“Mất mát vài chậu cây là chuyện bình thường thôi. Khuya lắc lơ, mình buồn ngủ thì tụi nó canh me, đợi dân phòng đi tuần qua, lại lẻn vào khiêng chậu mai. Giá đây mình bán được 300 ngàn thì tụi nó bán có 100 ngàn chứ mấy. Tiếc đứt ruột”, chú Nam thấy gã thanh niên đi vút rồi than.
Nhìn mấy bông mai vàng đã rón rén nở, chú Nam buồn bã nói không biết tết này không biết có dư được đồng nào về quê ăn tết với con cháu hay không.
Còn vợ chồng anh hai Hùng thì nhìn đăm chiêu ra phía mé sông, năm nay 2 vợ chồng gửi luôn đứa nhỏ cho người bà con dưới quê. Năm ngoái, tận 3 giờ chiều ngày mùng 1 tết mới về tới Bến Tre đón tết, đôi mắt hai người cứ lóng lánh.
Chị út cứ trông mong sao năm nay bán cây mau hết, đặng tức tốc về dưới đón con, cả gia đình được đón một cái tết thật sự…
Bình luận (0)