Ngoại hình không phải quan trọng nhất
Để vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Avin Lu quyết định tới Đà Lạt sống 2 tháng một mình, làm bạn với âm nhạc, đến những nơi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng lui tới… “Tôi muốn được trải nghiệm những gì nhạc sĩ từng trải nghiệm theo cách gần nhất có thể”, Avin Lu nói và cho biết, anh không có nhiều tư liệu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông 19 tuổi. “Chủ yếu hình ảnh của ông được công chúng biết đến là lúc ông trung niên. May mắn là tôi gặp được cô Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ), cô nói cho tôi biết về ông khi đó, từ việc nhìn nhận cái đẹp ra sao, cho đến cách cư xử với các em thế nào. Từ lời kể của cô cùng với trải nghiệm của chính mình, hay điểm mà tôi thấy mình có phần giống ông là cùng yêu nghệ thuật, vẽ và ca hát, tôi không muốn bắt chước mà muốn tái hiện lại tuổi trẻ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một cách sinh động”, nam diễn viên bày tỏ.
Diễn viên Avin Lu trong vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ trong phim Em và Trịnh |
ĐPCC |
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể, anh đã phải đấu tranh để Avin Lu vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ cũng như NSƯT Trần Lực vào vai nhạc sĩ thời trung niên. Đạo diễn cho hay, ban đầu, buổi thử vai của NSƯT Trần Lực diễn ra không mấy tốt đẹp. Nhà sản xuất vẫn muốn tiếp tục tìm kiếm diễn viên bởi một phần ngoại hình của NSƯT Trần Lực chưa tương đồng do nam nghệ sĩ “mập và nhiều sức sống hơn” nhân vật. Tuy nhiên, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tin vào trực giác của mình và thuyết phục nhà sản xuất cho anh và NSƯT Trần Lực một thời gian. Anh gọi điện thoại cho NSƯT Trần Lực và bày tỏ mong muốn nghệ sĩ “chơi” cùng anh để thuyết phục mọi người: Trần Lực chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đạo diễn yêu cầu nghệ sĩ giảm cân, học giọng Huế, đọc tư liệu tham khảo cách nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói chuyện và biểu cảm, cùng trao đổi về kịch bản, về đường dây tâm lý.
NSƯT Trần Lực đã giảm hơn 10 kg nhờ quá trình ép cân hà khắc với chế độ tập luyện riêng do chuyên gia đưa ra và giám sát. Theo Trần Lực, ngoại hình cùng việc hóa trang dù giúp diễn viên giống nhân vật đến thế nào thì điều quan trọng vẫn là diễn viên phải “diễn ra được tâm trạng, tình cảm, cảm xúc của nhân vật”. Điều quan trọng nữa là khi hóa thân vào nhân vật có thật thì phải “cho thấy tinh thần, thần thái của họ”. “Đây là phim chân dung về con người nhưng là phim điện ảnh nên sẽ có phần hư cấu, mặc dù dựa vào những câu chuyện đời thật của ông. Tuy vậy, kịch bản có hư cấu đến đâu nhưng viết ra vẫn mang tinh thần, con người của Trịnh Công Sơn. Ở đó có những câu chuyện của Trịnh Công Sơn mà chỉ riêng ông mới có. Người diễn viên cũng như vậy, có thể khán giả nhìn thoáng qua chưa thấy giống hoàn toàn ngoại hình nhân vật nhưng càng xem họ lại càng phải thấy đó là Trịnh Công Sơn với cuộc đời của ông, câu chuyện của ông”, NSƯT Trần Lực chia sẻ.
NSƯT Trần Lực trong vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trung niên trong phim Em và Trịnh |
ĐPCC |
Sáng tạo của diễn viên
Theo NSƯT Trần Lực, diễn viên vào dạng vai nhân vật hư cấu có thể sáng tạo nhiều hơn so với nhân vật có thật, nhưng không phải vì thế mà vào vai nhân vật có thật là chỉ có… bắt chước. “Mặc dù phải bám theo câu chuyện, bám theo cách kể chuyện của đạo diễn nhưng đạo diễn hay bất cứ ai trong đoàn phim cũng không thể thay diễn viên diễn xuất được. Nhân vật nếu không có sáng tạo độc lập của người diễn viên thì thành giả ngay”, nghệ sĩ chia sẻ.
Mọi người đều có hình dung về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay ca sĩ Khánh Ly… Bởi vậy, mình làm cái gì cũng khó, đưa ra mọi người có thể nói cái này không giống, cái kia không giống. Mình cần làm sao để có thể khiến khi xem phim khán giả có thể vượt qua những điều đó và chìm vào phim. Sau khi rời khỏi rạp, họ sẽ tin đấy là nhân vật.
Nhiều năm trước, NSƯT Trần Lực cũng là một trong những diễn viên từng hóa thân vào vai Bác Hồ, nhân vật chưa khi nào bớt làm “khó” người thủ vai. “Khi tôi đóng Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, nhiều người nghĩ rằng tôi sẽ lại thể hiện hình ảnh “khuôn mẫu” từ hình dáng, cách đi đứng, thói quen, đến thần thái của Bác Hồ. Nhưng hồi đó, tôi chỉ muốn nhấn vào một điểm là thần thái. Tôi muốn thể hiện hình ảnh Nguyễn Ái Quốc do tôi thủ vai chứ không phải hình ảnh giống với diễn viên này hay diễn viên khác đảm nhận”, NSƯT Trần Lực cho hay.
Việc đạo diễn làm phim hay diễn viên thể hiện nhân vật có thật thường dễ gây ra những ý kiến trái chiều. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay, anh đã rút ra nhiều bài học từ bộ phim Bohemian Raphsody. Lúc thực hiện, bộ phim này gây ra nhiều ý kiến phản đối khi nhà làm phim lựa chọn nam diễn viên Rami Malek vào vai Freddie Mercury vì nhiều khán giả cho rằng anh này không hề giống nhân vật. Nhưng đến khi phim công chiếu thì họ đã hoàn toàn bị thuyết phục. Thậm chí, với vai diễn này, Rami Malek đã được nhận giải thưởng Oscar năm 2019.
Với Em và Trịnh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, thách thức lớn nhất của anh khi làm bộ phim này “là làm sao cho khán giả tin vào thế giới bên trong”. “Mọi người đều có hình dung về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay những nhân vật khác như ca sĩ Khánh Ly… Bởi vậy, mình làm cái gì cũng khó, đưa ra mọi người có thể nói cái này không giống, cái kia không giống. Mình cần làm sao để có thể khiến khi xem phim khán giả có thể vượt qua những điều đó và chìm vào phim. Sau khi rời khỏi rạp, họ sẽ tin đấy là nhân vật”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ.
Bình luận (0)