Người tiêu dùng Việt luôn nơm nớp lo sợ thực phẩm “bẩn”. Trong khi đó, việc quản lý, kiểm soát, xử lý… chuyện kinh doanh thực phẩm còn lỏng lẻo, yếu kém.
Đã từ lâu nguy cơ ngộ độc thực phẩm rình rập đe dọa thường xuyên người tiêu dùng (NTD) bất cứ lúc nào.
Lướt qua vài “sự kiện” thực phẩm bẩn gây chấn động dư luận: Ngày 20.12.2011, Công an Hà Tĩnh phát hiện xe khách chở 200kg gan và bì lợn bốc mùi hôi thối. Cùng ngày, Đội CSGT Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM bắt giữ một chiếc xe khách chở 2 tấn thịt cũng trong tình trạng như vậy.
Sau đó một ngày, Công an TP.Đà Nẵng cũng phát hiện xe khách vận chuyển 300kg chân, móng trâu thối, không qua kiểm dịch. Đến ngày 28.12.2011, Đội Quản lý thị trường số 11 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) và đội kiểm tra tuyến thuộc PC15 - Công an Hà Nội phát hiện hơn 23 tấn đuôi, chân bò thối chuẩn bị chuyển vào Bình Dương để tiêu thụ…
Trên đây, mới chỉ là những vụ kinh doanh thực phẩm bẩn lớn bị phát hiện khi các cơ quan chức năng mở “chiến dịch” kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm mang tính thời điểm. Trong thực tế, thực phẩm bẩn là chuyện thường ngày ở chợ, quán ăn, nhà hàng… mà người tiêu dùng không thể kiểm soát được chất lượng nên có thể lãnh hậu quả.
|
Điều đáng lo ngại là không dễ để phát hiện các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm do nhà sản xuất, kinh doanh thường dùng các chiêu thức lừa dối rất tinh vi.
Chị Nguyễn Thị Hương Sen, Q.12, TP.HCM bức xúc cho biết “NTD bây giờ nhắm mắt mua về ăn chứ chẳng biết chúng có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không. Ở ngoài chợ, các loại thịt chẳng thấy đóng dấu kiểm định chất lượng cũng bày bán tràn lan. Và nếu người bán có đóng dấu kiểm định thì dường như chỉ “làm màu”, còn phần lớn là thịt không rõ nguồn gốc”.
Theo giới chuyên môn, thực phẩm thường bị “nhiễm bẩn” bằng hai cách: quy trình sản xuất, chế biến không đảm bảo và nhà cung cấp, kinh doanh cố tình cho các chất độc hại để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ các kinh nghiệm tiêu dùng thông minh cho chuyên mục và gửi về hộp mail nguoitieudungthongminh@thanhnien.com.vn. Các ý kiến đóng góp, kinh nghiệm hay sẽ nhận được một phần quà từ nhà tài trợ Tân Hiệp Phát. |
Chưa hết, thịt “bẩn” không phải từ khi ra chợ mà ngay trong giai đoạn chăn nuôi. Heo, bò, gà, vịt... người ta có thể vỗ béo, tăng tỷ lệ thịt nạc bằng các thức ăn chứa các hóa chất không tốt sức khỏe, chẳng hạn chất salbutamol thuộc nhóm chất beta-agonist có tác dụng phụ làm kích động gây co giật, làm giảm kali trong máu, rối loạn nhịp tim...
Tại hội thảo “Cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tết Nhâm Thìn 2012”, Viện Vệ sinh y tế cộng đồng TP.HCM đã kết luận rằng: Qua kiểm nghiệm 36 mẫu thịt lợn sống tại TP.HCM, Cần Thơ, Long An… có đến 94,4% mẫu bị nhiễm vi sinh (vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy E.Coli và vi khuẩn tụ cầu vàng S.Aureus). Trong khi đó, 150 mẫu các loại: chà bông, lạp xưởng, xúc xích, nem, ô mai… bán trên địa bàn TP.HCM thì có tới 115 mẫu nhiễm chì. Đó là những con số chắc chắn làm NTD phải ớn lạnh.
Tất cả mọi người đều dùng thịt và các loại hải sản khác thường xuyên. Như vậy, hàng chục triệu NTD Việt Nam có thể có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm ở những cấp độ nhiễm độc khác nhau. Nói theo khoa học, ngộ độc thực phẩm là do ăn uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia…
Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng... Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn có thể gây tử vong. Như vậy, rõ ràng thực phẩm bẩn còn có thể nói là một đại họa.
Chúng ta đã có luật An toàn thực phẩm, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cung cấp thông tin về các văn bản luật này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tại các buổi hội thảo, hội nghị (như hội thảo về luật Bảo vệ quyền lợi NTD tại Tân Hiệp Phát vào 30.8.2011). Chúng ta cũng có đầy đủ các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý những vấn đề liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, NTD trước hết phải tự cứu lấy mình bằng cách: Chọn thực phẩm nói chung (thịt, hải sản nói riêng) phải tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng; cần ăn chín uống chín và khám sức khỏe định kỳ…
Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương) cũng khuyên NTD nên lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín, có các chứng chỉ về chất lượng. Lý do là các doanh nghiệp lớn thường đầu tư nhiều về công nghệ, thiết bị, có quy định nghiêm ngặt về giám sát chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu, đến sản xuất và lưu thông phân phối.( Quang Viên)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC Tôi thường nói vui với mọi người thực phẩm sử dụng hằng ngày như vậy mà không bị ngộ độc thì mới lạ. Phòng khám của tôi từng tiếp nhận những ca ngộ độc do ăn những thực phẩm “bẩn”. Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ gây ngộ độc mà hóa chất độc hại còn có thể tích tụ trong cơ thể lâu ngày gây nên bệnh tật, trong đó có cả bệnh ung thư. (BS. Nguyễn Tấn An, PK.Đa khoa Phước An, 221 Giải Phóng, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) Chuyện thực phẩm không an toàn cần phải báo động đỏ. Khẩu phần ăn của mỗi gia đình không thể thiếu thịt, rau, cá... mà các loại thực phẩm này bán ngoài chợ chẳng có gì đảm bảo là vệ sinh an toàn cả. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn trong việc xử lý những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhiễm bẩn. (Chị N.T.Như Phượng, 63 Lê Tấn Quốc, P.13, Q.TB, TP.HCM) Những vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm lớn bị phanh phui thật kinh hoàng. Các bà nội trợ như tôi làm sao biết chắc chắn được thực phẩm nào là sạch. Thực phẩm bẩn là một nguy cơ thật sự đang đe dọa sức khỏe của NTD. Cứ quản lý lỏng lẻo như vậy thì nguy quá! (Phạm Thị Thảo - 36/90 ô 3, KP.Hải Hòa, TT.Long Hải, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) Quang Viên (Ghi) |
Mẹo mua thịt, hải sản sạch Các loại thịt Thịt bò thớ thịt tươi mịn, màu đỏ tươi, gân trắng, mỡ vàng. Ngược lại thịt trâu tươi: thớ thịt to, màu đỏ tía, mỡ trắng hơn mỡ bò. Thịt lợn tươi: ấn tay vào thớ thịt khi buông ra không để lại vết lõm. Nhìn bằng mắt, thịt lợn tươi sẽ thấy bề mặt hơi se lại, mặt ngoài có lớp màng khô, thịt có màu vàng sáng. Thịt lợn bệnh: thớ thịt nhão, có thể thấy những hạt trắng đục, hoặc trong gan, thận có những chấm nhỏ. Chọn mua gà, nếu gà sống thì chọn con khỏe mạnh, mào đỏ tươi, chân thẳng nhẵn và không đóng vảy, ức dày, hậu môn không ướt, miệng gà khô. Gà bị bệnh: diều căng có hơi như bong bóng, mào tái, chân lạnh, dáng ủ rũ xù lông, chảy nước dãi. Các loại hải sản Cá tươi: da còn nguyên không tróc lớp phấn hoặc vảy, không ướp đá mình cá vẫn cứng (riêng với cá bống thì mình cứng và đục là cá chết), mang màu đỏ tươi, không có nhớt, mắt sáng, trong, đầy và sạch, ấn tay vào thân cá có tính đàn hồi. Cá ươn thường có mùi tanh khó chịu, da tái, mình nhũn, mắt đục, mang xám. Với cá cắt khúc nếu bị ươn thì thịt nhợt nhạt, không có máu hoặc màu máu bầm đỏ. Còn tôm tươi: có độ sáng bóng, trong xám, trơn láng, cứng và dài; tôm ươn: vỏ không bóng và ngả sang màu đỏ, có mùi hôi tanh, đầu dễ rời ra, chân, càng dễ rụng. Nghêu, sò còn tươi: không bốc mùi hôi, nhấc lên thấy nặng, vỏ không hở. Nếu vỏ hở, động vào nghêu sò còn sống sẽ có phản xạ khép lại. Chọn ốc thì dùng tay đụng nhẹ vào vảy ốc, nếu ốc sống sẽ tự khép kín vảy lại. Mực tươi: lớp da bên ngoài còn nguyên, màu sắc sáng, óng ánh, thịt trắng như mứt dừa, túi mực không vỡ. Thiên Thảo |
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)