Hỏa xa từ A đến Z: Hành trình vạn dặm sang trời Tây

Quang Viên
Quang Viên
15/11/2021 07:07 GMT+7

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 , Tổng công ty đường sắt Việt Nam ( VNR ) đã lỗ nặng nề vì hoạt động vận tải hành khách gần như tê liệt. Trong tình hình đó, VNR đã mở đường sang trời Tây với những chuyến hàng container.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó tổng giám đốc Công ty CP vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) - đơn vị đảm nhận những chuyến tàu chuyên container hàng hóa sang châu Âu, nói: “VNR đã chỉ đạo các công ty vận tải thành viên đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa (nội địa và quốc tế) để bù lỗ cho kinh doanh vận tải hành khách trong thời kỳ dịch bệnh”. Dẫn báo cáo của VNR, ông Thanh cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2020 VNR đã lỗ hơn 1.300 tỉ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2021 đã phải dừng chạy 2.300 đoàn tàu khách. Thậm chí, có những thời điểm phải bỏ hoàn toàn chạy tàu khách…

Đoàn tàu LVQT đã đến TP.Liege, Vương quốc Bỉ

Mở đường

Trong bối cảnh đó, VNR đã chỉ đạo Ratraco phối hợp cùng các đối tác quốc tế tổ chức chạy “mở đường” chuyến hàng đầu tiên theo hình thức nguyên đoàn container (block train) sang châu Âu. Rào cản khó khăn nhất để có thể thực hiện được chuyến tàu như thế là làm sao thuyết phục được Tập đoàn Mearsk, một đơn vị vận tải lớn trên thế giới, nhìn nhận và đánh giá đúng đắn về các dịch vụ liên quan đến vận tải do VNR cung cấp như dịch vụ giao nhận hàng hóa, khai báo hải quan, kết nối vận chuyển quốc tế… Mearsk đã có nhiều kinh nghiệm kinh doanh vận tải hàng hóa tại thị trường Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên tham gia chuỗi cung ứng vận chuyển đường sắt liên vận quốc tế (LVQT). Mearsk có những yêu cầu hết sức khắt khe trong việc tổ chức giao nhận hàng hóa trên phạm vi cả nước, thời gian thực hiện, chất lượng dịch vụ và khả năng cung cấp dịch vụ.

Ratraco đầu tư hơn cho tuyến LVQT

Ratraco cùng với các đối tác trong chuỗi cung ứng tiếp tục đẩy mạnh việc gom hàng xuất khẩu và tăng tần suất chạy tàu, hướng tới việc tổ chức khai thác hàng hóa vận chuyển hai chiều. Đồng thời, họ cũng mở rộng nhiều điểm kết nối lập tàu Á - Âu tại Trung Quốc để cung cấp thêm dịch vụ vận chuyển container không nguyên đoàn đến nhiều điểm đích tại châu Âu, phục vụ nhu cầu cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu VN. Ngoài ra, Ratraco còn mở rộng thêm các dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu trọn gói bằng đường sắt đến các thị trường khác như Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan…

“Họ hoàn toàn chưa có sự trải nghiệm về các dịch vụ do đường sắt Việt Nam cung cấp, trong khi các thông tin về đường sắt hoàn toàn bất lợi”, ông Nguyễn Hoàng Thanh giải thích. Không những vậy, tại thời điểm chuẩn bị tổ chức chạy đoàn tàu chuyên container đầu tiên lại đúng vào giai đoạn đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát trên phạm vi toàn quốc. Điều đó gây rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị tập kết hàng hóa từ khu vực miền Trung, miền Nam đưa ra phía bắc để tổ chức lập tàu.

Nhưng cuối cùng Mearsk “ngã lòng” là nhờ quan hệ mật thiết mà Ratraco đã xây dựng trước đây với các đối tác từng tổ chức khai thác vận hành đường sắt Á - Âu, các tập đoàn logistics quốc tế và các hãng vận tải toàn cầu.

“Cái khó nhất với Mearsk đã tháo gỡ thì việc chuẩn bị tập kết hàng hóa từ khu vực miền Trung, miền Nam đưa ra phía bắc để tổ chức lập tàu chỉ đòi hỏi chúng tôi nỗ lực thêm một chút thì đâu vào đó cả”, ông Thanh tâm sự.

Sau những nỗ lực của các bên tham gia, ngày 20.7.2021, tại ga Yên Viên (Hà Nội) đã tổ chức khai trương đoàn tàu chuyên container đầu tiên gồm 23 container 40HC chở hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như: sản phẩm dệt may, da giày, điện tử… sang châu Âu. “Chúng tôi có rất nhiều cảm xúc khi bắt đầu đàm phán, khai thông bế tắc và dõi theo hành trình của đoàn tàu chở nguyên đoàn container hàng hóa từ nước mình sang Bỉ”, ông Thanh bồi hồi chia sẻ.

Hành trình vạn dặm

Với đoàn tàu đầu tiên chở nguyên block train 23 container hành trình hơn 25 ngày để đến Bỉ, có những câu chuyện không phải ai cũng biết. Ratraco phải cung cấp toàn bộ dịch vụ hậu cần tại Việt Nam. Họ phải đến các cảng lựa vỏ container đưa đến các nhà máy đóng hàng, sau đó chuyển về ga tập kết và vận tải bằng đường sắt đến ga lập tàu Yên Viên, từ đó sang Trung Quốc để đi tiếp Bỉ. Về thủ tục, khách hàng tự mở tờ khai xuất khẩu tại nhà máy, VNR hoàn chỉnh các thủ tục hải quan còn lại như xuất hàng tại ga cửa khẩu.

Đoàn tàu LVQT tại ga Đồng Đăng chuẩn bị chuyển tiếp sang Trung Quốc

Ratraco cung cấp

Đoàn tàu LVQT này xuất phát từ ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) đến ga Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc) rồi kết nối tiếp vào đoàn tàu chuyên container Á - Âu để sang châu Âu sau khi quá cảnh qua các nước gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức và Bỉ. Tàu chạy trên đất nước nào thì lái tàu của nước ấy tổ chức chạy trên đầu máy của nước họ. Các container xếp trên các toa chỉ có một lần chuyển tải tại ga biên giới nằm giữa Trung Quốc - Kazakhstan. Lý do là từ ga Yên Viên đến ga Trịnh Châu thì khổ đường ray giống nhau (1.435 mm), còn từ ga Kazakhstan sang châu Âu thì khổ đường ray là 1.520 mm nên các container hàng được nhấc từ toa tàu Trung Quốc sang toa tàu Kazakhstan.

Ông Thanh cho biết khi đoàn tàu container từ Việt Nam sang Trung Quốc thì tùy theo lựa chọn dịch vụ của khách hàng mà VNR có lắp thiết bị định vị trên container hay không. Ngay cả trường hợp khách hàng không có nhu cầu nhưng cần thông tin vị trí đoàn tàu, đường sắt Việt Nam sẽ thông báo cho khách hàng cụ thể. Nhưng kể từ khi đoàn tàu khởi đi từ Trung Quốc qua đến điểm cuối, Bỉ bắt buộc có hệ thống GPS theo dõi. “Đây là đoàn tàu container đầu tiên do Ratraco kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển, giao - nhận các nước cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho khách hàng từ Việt Nam đến Bỉ. Sau khi hàng đến Bỉ thì đối tác gom hàng, giao hàng sẽ tổ chức phân phối đến các điểm yêu cầu của khách hàng với hình thức giao - nhận trọn gói “door to door”, ông Thanh cho biết thêm.

Khi được hỏi về hiệu quả kinh tế của việc thực hiện những chuyến tàu chuyên container LVQT đến châu Âu, lãnh đạo Ratraco khẳng định hệ thống mạng lưới đường sắt LVQT vận tải được hàng hóa khối lượng lớn, đi xa và độ an toàn vượt trội. Thời gian vận chuyển bằng đường sắt rút ngắn hơn nhiều so với vận chuyển đường biển sẽ là lợi thế cạnh tranh, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cần điều kiện bảo quản tốt và thời gian đưa hàng nhanh… Theo tìm hiểu, hiện nay Ratraco và đối tác châu Âu tổ chức vận chuyển hàng hóa với hình thức block train 8 chuyến/tháng xuất phát tại Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề cung cấp dịch vụ của đường sắt Việt Nam trong thời gian tới, giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam có thêm giải pháp lựa chọn phương tiện vận tải để lưu thông hàng hóa đến thị trường châu Âu, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh cũng như tình hình ách tắc vận tải đường biển. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.