Ngày 22.9, Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng không chỉ của Đàm Vĩnh Hưng mà còn nhận được đơn tố cáo của Hoài Linh, Vy Oanh và một số ca sĩ, nghệ sĩ khác.
Theo đó, các ca sĩ, nghệ sĩ nộp đơn tố cáo vì cho rằng bà Hằng có hành vi vu khống, xúc phạm danh dự người khác trên mạng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM cho biết đang xác minh các đơn tố cáo và sẽ thông tin sau.
|
Hôm 21.9, Đàm Vĩnh Hưng cũng cho biết phía Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM đã thụ lý và đang trong quá trình xác minh đơn tố cáo doanh nhân Nguyễn Phương Hằng của anh. Nam ca sĩ nói thêm anh đã yêu cầu công ty kiểm toán vào cuộc để kiểm toán toàn bộ các khoản tiền thu chi liên quan đến từ thiện và cung cấp kết quả kiểm toán cho cơ quan điều tra. “Hưng đã xác định sẽ đi đến cùng bằng con đường pháp luật, nên dù có phải chờ đợi cơ quan điều tra xác minh và kết luận thì Hưng vẫn sẽ chờ”, anh nói.
Trong buổi livestream hôm 17.9, phía Thủy Tiên - Công Vinh cũng cho biết nộp đơn kiện người vu khống mình. Nam cầu thủ cho hay: “Trong suốt thời gian vừa qua, hai vợ chồng chịu điều tiếng rất lớn khi bị vu khống trên Facebook. Một số cá nhân đã vu khống, bôi nhọ danh dự, bịa đặt trên internet, làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, ảnh hưởng đến lợi ích cũng như tình hình kinh tế. Với quyền công dân của mình, vợ chồng chúng tôi sẽ nhờ đến cơ quan pháp luật để bảo vệ. Những giấy tờ, sao kê này sẽ là bằng chứng để chúng tôi gửi cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra. Chúng tôi tin vào pháp luật, tin rằng không một ai đứng trên pháp luật được. Dù bất cứ là ai thì chúng tôi cũng sẽ có đơn kiện”.
|
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho rằng việc livestream để nói về một cá nhân thì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, luật nghiêm cấm livestream để vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và làm nhục người khác cũng như có hành vi làm tiết lộ bí mật đời tư, nhân thân của người khác.
“Ngoài vấn đề được kiện yêu cầu bồi thường về mặt dân sự thì nếu thấy có dấu hiệu hình sự những người bị vu khống, bị làm nhục có thể tố cáo, tố giác ra cơ quan công an có thẩm quyền về hành vi lợi dụng mạng công nghệ, máy tính, viễn thông để làm nhục, vu khống để cơ quan có thẩm quyền giải quyết”, luật sư Minh Hùng cho hay.
|
Trong khi đó, luật sư Ngô Việt Bắc, Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây nguyên (Đoàn Luật sư TP.HCM), nói thêm về quyền con người được quy định tại khoản 1, điều 20 Hiến pháp hiện hành: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
“Như vậy, chúng ta có thể thấy quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được pháp luật nhà nước ta đặc biệt tôn trọng được đặt ở vị trí rất cao trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong hai bộ luật lớn quy định một cách chi tiết và đầy đủ nên người nào vi phạm thì tùy vào tính chất mức độ vi phạm mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí còn phải bồi thường”, luật sư Bắc chia sẻ.
Cũng theo luật sư Trần Minh Hùng, căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quy định tại Điều 584, từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.
Bình luận (0)