Dứt điểm các vụ được xã hội quan tâm
Tại phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trong thời gian tới, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm "không ngừng, không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh 3 yêu cầu: phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển KT-XH, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển KT-XH. Cạnh đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.
Từ đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu còn yếu, những việc đang làm dở. Đặc biệt, xử lý dứt điểm những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu, tương trợ tư pháp, truy bắt, dẫn độ đối tượng bỏ trốn; những khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản tham nhũng, có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng "tham nhũng vặt", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra các vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phấn đấu từ nay đến hết năm tập trung kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 30 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt, tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng)... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; về thanh toán không dùng tiền mặt... Đồng thời, cần khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị của cơ quan chức năng…
Cũng theo yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cần chỉ đạo đẩy mạnh, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Nhất là tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, Công ty AIC…
Bước đột phá mới trong phòng, chống tham nhũng
Chiều cùng ngày, thông tin về kết quả phiên họp 26, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Hữu Đông cho biết Ban Chỉ đạo đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.
Theo ông Đông, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh các sai phạm, gắn với xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu, tạo bước đột phá mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023).
T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện T.Ư quản lý. Trong số này có 2 phó thủ tướng, nguyên phó thủ tướng; 3 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 11 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 18 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh; 2 chủ tịch HĐND tỉnh; 4 phó bí thư, nguyên phó bí thư tỉnh ủy.
Thống kê từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cấp đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ diện T.Ư quản lý, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư, 24 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; xử lý nghiêm minh nhiều án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương theo đúng phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm đã khởi tố 16 cán bộ diện T.Ư quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã xử lý hình sự 55 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó có 16 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng.
Chỉ tính riêng vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, theo ông Nguyễn Hữu Đông, trong số 23 bị can bị khởi tố, có 6 cán bộ diện T.Ư quản lý, gồm 1 bí thư, 1 nguyên bí thư, 1 phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, 2 chủ tịch, 1 nguyên chủ tịch UBND tỉnh. Đối với vụ Thuận An, trong số 8 bị can bị khởi tố, có 2 cán bộ diện T.Ư quản lý, gồm 1 bí thư Tỉnh ủy, 1 phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Một kết quả nổi bật khác, theo Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, là chủ trương tiếp tục khuyến khích cán bộ nghiêm khắc nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nhận khuyết điểm khi có sai phạm. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét, cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện T.Ư quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trong số này, có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên T.Ư Đảng.
"Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay đã có 32 cán bộ diện T.Ư quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác. Trong đó có 7 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 10 Ủy viên T.Ư", ông Đông thông tin.
Ông Đông cho hay Ban Chỉ đạo đánh giá việc này thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, đưa việc "có lên có xuống, có vào có ra" dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ, tạo bước đột phá mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thu hồi hàng nghìn tỉ đồng trong các vụ án tham nhũng
Phó ban Nội chính T.Ư Nguyễn Hữu Đông cho biết thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản có giá trị lớn.
Cụ thể, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, cơ quan điều tra đã tạm giữ tổng số tiền, tài sản hơn 315 tỉ đồng; gần 2 triệu USD; 534 cây vàng và 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.117 tỉ đồng, 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở cùng nhiều tài sản giá trị khác.
"Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thu hồi được gần 7.750 tỉ đồng (tăng hơn 5.650 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay lên 85.520 tỉ đồng - đạt tỷ lệ 50,75%", ông Đông nói.
Bình luận (0)