Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bền vững

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
(thực hiện)
06/02/2023 06:23 GMT+7

Trong tình hình mới, việc tăng cường và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội trở thành một đòi hỏi bức thiết.


PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh để cung cấp thông tin bao quát hơn về thị trường lao động (TTLĐ), hệ thống an sinh xã hội (HTASXH) TP.HCM và những nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐ-TB-XH thời gian tới.

Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bền vững - Ảnh 1.

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh

Sỹ Đông

Ông nhận diện những điểm mạnh và yếu của HTASXH TP.HCM hiện nay như thế nào?

Mục đích cơ bản của chính sách ASXH là nhằm đảm bảo đời sống người dân và ổn định chính trị - xã hội. ASXH là mục tiêu, thước đo quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững đất nước; và đó là trọng trách của toàn hệ thống chính trị, trách nhiệm của toàn xã hội.

Thời gian qua, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhưng HTASXH của chúng ta còn nhiều hạn chế, nhất là chưa đảm bảo được tính bao trùm xã hội, chưa huy động được sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước. Các chính sách an sinh tuy được ban hành nhiều, song còn bất cập, nhiều đầu mối, thiếu đồng bộ. Trong khi đó, những cú sốc về giá cả, thị trường, dịch bệnh, thiên tai luôn tác động tiêu cực đến người dân và đòi hỏi phải chỉ đạo kịp thời, quyết liệt.

Chúng ta thấy rõ trong các cuộc khủng hoảng như dịch Covid-19, HTASXH đã bộc lộ sự bất cập. Cụ thể là phản ứng chưa kịp thời và thủ tục hành chính rườm rà, xa thực tế trong khâu thực hiện chính sách.

Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bền vững - Ảnh 2.

Công nhân khu chế xuất Linh Trung 1 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) tan ca chiều 1.2

NHẬT THỊNH

Trong tình hình mới, việc tăng cường và hoàn thiện HTASXH trở thành một đòi hỏi bức thiết. Tôi cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học đối với các vấn đề thực tiễn và những thách thức đối với an sinh trong giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống an sinh thích ứng và phù hợp với tình hình mới, có tính bao trùm, bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý về lao động TP.HCM dường như còn phản ứng chậm và chưa có nhận định rõ ràng cho công tác dự báo TTLĐ. Ông đánh giá thế nào về công tác dự báo TTLĐ của đơn vị và sẽ có những cải thiện gì để dự báo được những biến động về lao động trên địa bàn?

Tôi cho rằng chúng ta nên có cái nhìn toàn diện hơn để xác định có hay không "làn sóng" cắt giảm lao động.

Năm 2022, TP.HCM có 332.441 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với tổng số hơn 2,8 triệu lao động. Đồng thời, có 28 DN giảm lao động với 2.858 người lao động (NLĐ) ngừng việc, nghỉ việc. Trong khi đó, số liệu tương tự của 3 năm liền kề trước đó lần lượt là năm 2019 có 74 DN bị ảnh hưởng, 368 NLĐ mất việc; năm 2020 có 86 DN bị ảnh hưởng, 5.200 NLĐ mất việc; năm 2021 có 26 DN bị ảnh hưởng, 583 NLĐ mất việc.

Cũng cần lưu ý rằng TTLĐ cũng phải vận hành theo quy luật đặc trưng chung của "thị trường" và đặc trưng riêng của "lao động" bởi sự tham gia của các chủ thể, khách thể của nó. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM hiện có 1 đơn vị trực thuộc đang thực hiện nhiệm vụ dự báo, thông tin TTLĐ là Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin TTLĐ TP.HCM.

Tôi xin nhấn mạnh công tác dự báo TTLĐ giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng, xây dựng các chính sách có liên quan đến nguồn nhân lực. Bởi nó không chỉ phục vụ cho quản lý nhà nước mà còn giúp NLĐ và người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin khi thực hiện thương lượng các chế độ chính sách liên quan. Ngoài ra, còn giúp học sinh, sinh viên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp…

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo theo hướng ứng dụng công nghệ số để tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu TTLĐ toàn diện, nâng cao và ứng dụng các phương pháp, mô hình dự báo phù hợp.

Đặc biệt, thường xuyên tổ chức kết nối, đối thoại, quan sát TTLĐ và xu thế dịch chuyển lao động trên địa bàn TP.HCM.

Xu hướng của TTLĐ đang chuyển dịch nhiều về khu vực phi chính thức, dự báo sẽ có gia tăng một lượng lớn lao động tự do. Tuy nhiên, lao động tự do dường như đến nay vẫn chưa được bao phủ trong HTASXH của nhà nước…

Bộ luật Lao động năm 2019 đã mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả NLĐ có quan hệ lao động và NLĐ không có quan hệ lao động, ở cả khu vực chính thức và khu vực phi chính thức.

Điển hình như việc Chính phủ đã quy định mức lương tối thiểu giờ để bao quát được tất cả các khía cạnh của quan hệ lao động hiện nay.

Ngành LĐ-TB-XH sẽ tích cực phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội để tuyên truyền, vận động lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu và chăm sóc y tế khi hết tuổi lao động.

Ông có thể chia sẻ những kế hoạch, nhiệm vụ sắp tới của ngành LĐ-TB-XH về vấn đề lao động, ASXH tại TP.HCM?

Năm 2022 đi qua với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Tuy vậy, Đảng bộ, chính quyền và người dân TP.HCM đã đồng lòng vượt qua thử thách.

Năm 2023 là năm thứ hai đánh dấu sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, cũng là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tăng tốc và tạo đà phát triển thành phố. Trong năm nay cũng sẽ tiến hành đánh giá, sơ kết giữa nhiệm kỳ.

Ngành LĐ-TB-XH thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến lĩnh vực của mình. Cụ thể là tập trung giải quyết việc làm đi đôi với đào tạo nghề có chất lượng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối cung - cầu lao động, đảm bảo ASXH, chăm lo đời sống người nghèo, người yếu thế, chính sách có công, trẻ em mồ côi, người cao tuổi. Đồng thời, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội…

Chúng tôi cũng đặt ra 27 chỉ tiêu cụ thể, nổi bật như tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt hơn 86% trong tổng số lao động đang làm việc; giải quyết việc làm cho 300.000 lượt lao động; đạt tỷ lệ thất nghiệp đô thị là 3,9%... Qua đó, đảm bảo ASXH theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.