Người dân Phước Sơn (Quảng Nam) đang rất hoang mang, lo lắng khi tại xã Phước Lộc xuất hiện bệnh bạch hầu khiến 3 người chết.
Bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế Phước Sơn đã ổn định - Ảnh: H.S
|
Chỉ trong khoảng 10 ngày, tại thôn 8A và 8B (xã Phước Lộc) đã có 13 trường hợp bị nhiễm bệnh với các triệu chứng đau rát họng, sưng hạch vùng cổ…
Trong đó, đã có 3 người tử vong gồm: Hồ Văn Quý (16 tuổi), Hồ Thị Nẩy (26 tuổi) và Hồ Thị Viên (17 tuổi, cùng trú ở thôn 8B). Ngành chức năng vào cuộc và xác định tại thôn 8B đã xuất hiện bệnh bạch hầu. Trước thông tin này, nhiều người dân địa phương hết sức lo lắng vì tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
Vì lo ngại bệnh lây lan, trụ sở UBND xã Phước Lộc cũng được phun thuốc khử trùng. Các cán bộ xã khi ra vào vùng nhiễm bệnh đều phải mang đồ bảo hộ và phải khử trùng trước khi về nhà.
Trong khi đó, tại Trung tâm Y tế H.Phước Sơn, các bệnh nhân đang điều trị tại đây được cách ly hoàn toàn trong môi trường vô trùng.
Bênh nhân Hồ Văn Xíu (45 tuổi) cho biết: “Khoảng 1 tuần trước, tại thôn 8B mà tôi sinh sống chị Nẩy đột ngột qua đời. Trước khi chết, chị Nẩy có những biểu hiện như tôi đang mắc bây giờ”. Sau khi Nẩy tử vong (vào ngày 7.7), em Hồ Văn Quý cũng tử vong ngày 11.7. Đến 12.7, chị Hồ Thị Viên qua đời.
“Thấy đau cổ họng nên nhiều người cứ nghĩ là bệnh nhẹ. Đến khi nhiều người chết, tôi mới khiếp sợ rồi đến bệnh viện để điều trị”, chị Hồ Thị Váo (30 tuổi), người có biểu hiện bệnh tình nặng nhất khó nhọc nói. Trong khi đó, cháu Hồ Văn Vương (7 tuổi, con của chị Hồ Thị Nẩy) cũng có những biểu hiện bệnh tình giống mẹ. Trường hợp khác là 2 anh em ruột Hồ Văn Sé (22 tuổi) và Hồ Văn Lý (18 tuổi) nhập viện cùng lúc.
Đến hôm qua 16.7, 6 bệnh nhân điều trị tại trung tâm y tế huyện đã được về nhà sau nhiều ngày điều trị các triệu chứng nghi nhiễm virus bạch hầu. Sức khỏe 4 trường hợp khác được điều trị tại chỗ đã ổn định trở lại.
Nguồn tin riêng của PV Thanh Niên cho biết, trong tháng 5 vào các ngày 18, 22, và 30, tại 2 thôn này đã có 3 người chết với các biểu hiện bệnh tương tự. Tuy nhiên, do người dân không trình báo và mai táng sớm nên ngành chức năng không nắm được tình hình. Sự việc chỉ được phát hiện khi người dân từ xã Phước Lộc ra huyện xin tiền mai táng cho người chết.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã này cho hay tại 2 ngôi làng này đã từng xảy ra tình trạng người dân kéo nhau đến nơi khác để lập làng vào năm 2014. Vào thời điểm đó, người dân cho rằng vì trong làng liên tục xuất hiện những cái chết “xấu” nên đã tìm đến một vùng đất mới cách làng cũ 30m để làm nhà.
"Trước tình trạng ổ dịch xuất hiện tại 2 làng này, chúng tôi đã hỗ trợ tất cả mọi kinh phí điều trị, ăn ở cho người dân. Chúng tôi cũng quyết liệt vận động để không xảy ra tình trạng người dân bỏ làng đi nơi khác”, ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, hiểu được những tập tục của đồng bào Bh’noong, nhiều năm qua xã đã tuyên truyền và đề nghị bà con đưa trẻ đến trạm xá để tiêm phòng các loại bệnh, trong đó có bạch hầu. Thế nhưng, vì nhận thức của người dân chưa cao cộng với các hủ tục vẫn còn dai dẳng bén rễ trong ý thức nên đa số trẻ em trong làng không được tiêm chủng.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Phước Sơn cho biết đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng của huyện phun thuốc khử trùng tại khu vực phát hiện bệnh đồng thời phát thuốc cho người dân uống đề phòng. Các bác sĩ có mặt tại ổ dịch đang vận động người dân uống kháng sinh 2 lần/ngày để phòng bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam sau khi xác định được ổ dịch, ngành chức năng đã triển khai các biện pháp khống chế như: tiêu độc khử trùng, khoanh vùng cách ly… bởi bạch hầu có nguy cơ lây lan nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đồng bào Bh’noong Trong báo cáo gửi Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, UBND tỉnh Quảng Nam về bệnh bạch hầu khiến 3 người chết tại xã Phước Lộc (H.Phước Sơn), Sở Y tế Quảng Nam khẳng định cơ quan chuyên môn sẽ sớm tổ chức tiêm vắc xin cho người dân xã Phước Lộc, triển khai 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Trước mắt, Sở Y tế Quảng Nam cử cán bộ y tế tiếp tục giám sát, phát hiện sớm điều trị kịp thời các ca nghi ngờ tại hộ gia đình cho đến khi tình hình ổn định. Để xử lý môi trường, cơ quan chuyên môn tiến hành phun dung dịch Chloramin B 0,5% liên tục trong 10 ngày (2 ngày/lần) tại các nơi thu dung điều trị và vùng có dịch; đồng thời cấp dung dịch Choramin B để vệ sinh vật dụng trong các gia đình. Đáng chú ý, các đoàn công tác và chính quyền xã Phước Lộc sẽ phải gõ cửa từng gia đình trao đổi về nguyên nhân, tác hại của bệnh và các biện pháp phòng chống. Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam khi phối hợp giám sát dịch đã phát hiện nhiều “lỗ hổng” trong công tác phòng dịch tại đây. Trong báo cáo số 127/BC-YTDP, Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam cho biết toàn bộ người dân ở thôn 8B (chủ yếu là đồng bào Bh’noong) không được tiêm vắc xin phòng dịch bạch hầu, là thôn “hoàn toàn trắng về tiêm chủng từ trước đến nay”. Cán bộ y tế địa phương rất khó tiếp cận để vận động đồng bào đưa người bệnh ra trạm xá, thậm chí cán bộ phát thuốc nhưng người dân vẫn... không chịu uống. H.X.H |
Bình luận (0)