|
Chưa hết bàng hoàng
Bà Đồng Thị Tươi (65 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân An Luông) vừa xuất viện vài hôm. Giơ cánh tay còn băng trắng lên, bà nói: “Khoảng 2 tuần trước, tôi ra sân hốt củi phơi, làm được một lúc thì nghe tiếng “bọc”, nhìn xuống thấy ngón tay út đau, máu ra nhiều, toàn thân bị nhức. Tôi biết ngay là bị rắn cắn nên kêu con chở đi thầy trị rắn cắn gần nhà”. Sau khi bà Tươi bị rắn cắn, người nhà giở đống củi ra và phát hiện một con rắn lục dài khoảng 6 tấc, đầu giống đầu con rùa, đuôi màu đỏ. “Đi thầy thuốc xong thấy vẫn còn đau nhức, các con liền chở tôi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long nằm điều trị 6 ngày. Tuy nhiên lóng tay út - nơi bị rắn cắn có nguy cơ hoại tử, tôi lại lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị thêm 6 ngày. Bây giờ nhắc tới tôi còn sợ”, bà Tươi cho biết thêm.
|
Cách nhà bà Tươi khoảng 5 km, bà Nguyễn Thị Tư (61 tuổi, ngụ ấp Nước Xoáy, xã Tân An Luông) cũng bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Bà Tư kể: “Sáng hôm đó, tôi ra trước nhà hái rau thì bị rắn cắn. Người thân nhanh chóng đưa tôi đến thầy thuốc rắn, sau đó chuyển lên Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) điều trị 4 ngày. Đến nay đã gần 2 tháng mà ngón tay bị rắn cắn vẫn chưa thể ngo ngoe được”.
Ông Lê Hoàng Nghĩa (ấp Nước Xoáy) hằng ngày chăn bò trên đường tỉnh 901, cho biết: “Tôi đi chăn bò mà phải sử dụng sợi dây dài mấy chục mét thế này để cho bò đi vào trong ăn cỏ, khi nào no tôi phăng dây ra, dẫn bò về. Ở đây chỗ nào cỏ nhiều, rậm rạp là có rắn lục đuôi đỏ, tôi phải làm vậy cho an toàn”.
Bất an vì rắn lục
Việc rắn lục đuôi đỏ liên tục xuất hiện và tấn công đang làm người dân tại Vĩnh Long hoang mang. Theo ông Tô Văn Thăng, Bí thư chi bộ ấp Nước Xoáy, khoảng gần một tháng nay, bà con ở đây bị rắn lục đuôi đỏ tấn công liên tục. Có người đập được 5 - 6 con rắn chỉ trong một đống củi. Còn ông Lê Trung Đắc (Mười Huyện, 91 tuổi, ngụ ấp Nước Xoáy) thì cho biết: “Tôi làm thầy trị rắn cắn đã 70 năm nhưng chưa bao giờ thấy rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở địa phương như vậy. Chỉ trong vòng 2 - 3 tháng qua, tôi đã điều trị cho hơn 100 người bị rắn cắn. Ngoài Tân An Luông, nhiều trường hợp bị rắn cắn ở các xã Hòa Hiệp (H.Tam Bình), xã Tân Long Hội (H.Mang Thít), xã Xuân Hiệp (H.Trà Ôn)... cũng đến nhờ tôi lấy nọc”.
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2013, Bệnh viện đã tiếp nhận 34 trường hợp bị rắn cắn, trong đó chủ yếu là rắn lục. Bác sĩ Hồ Bích Thủy, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tích cực và hồi sức, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Người bị rắn hổ cắn sẽ bị rối loạn hô hấp, còn rắn lục cắn thì rối loạn đông máu. Rắn lục đuôi đỏ có nọc độc nhiều hơn rắn lục thường, nếu bị rắn cắn mà không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân An Luông, cho biết chính quyền địa phương đang khuyến cáo bà con phát hoang bụi rậm, cẩn trọng khi đi cắt cỏ, lấy củi, ra khỏi nhà vào ban đêm để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Thanh Đức
Bình luận (0)