(TNO) Hoàng Sa, nơi biển cả, nơi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép, không chỉ có những trận rượt đuổi, đâm va, của tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam; không chỉ có sự mưu trí dũng cảm của các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Ở đó, còn có những câu chuyện đời thường, như một phần cuộc sống trong hành trình bảo vệ chủ quyền, lãnh hải.
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 4: Bát canh quý hơn vàng
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 3: Tổ ong giữa biển Đông
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 2: Cuộc tấn công bằng 'bom' nước
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 1: Người giữ cờ
|
Đêm đầu tiên lên tàu ra Hoàng Sa, phóng viên Nguyễn Văn Cường (báo Infonet) đã bị những con sóng Hoàng Sa khiến cho xây xẩm mày mặt.
Thấy cơm là ói
Chiều hôm sau tàu cảnh sát biển (CSB) 2013 tới Hoàng Sa để chuyển tiếp một số phóng viên sang tàu CSB 2016. Từ đó, là những ngày dài anh Cường vừa phải hoàn thành nhiệm vụ thông tin vừa phải đối chọi với những cơn sóng Hoàng Sa.
Những ngày trên tàu, anh Cường chỉ lên đài chỉ huy và boong tàu để ghi lại hình ảnh tàu CSB 2016 tiếp cận giàn khoan. Còn lại, toàn bộ thời gian anh Cường nằm “bẹp dí” trên giường để "chiến đấu" với những cơn say sóng.
“Trong người lúc nào cũng lâng lâng, mệt mỏi. Thậm chí có lúc lấy thông tin xong, tôi không đủ sức gọi điện về tòa soạn, phải xuống nằm một lát rồi mới thông tin được về nhà. Cơm không buồn ăn vì cứ nghe cơm là buồn ói”, anh Cường nói.
|
Cái sự “không buồn ăn cơm” của anh Cường kéo dài 8 ngày liền, anh không thể ăn được hột cơm nào, thay vào đó là uống sữa, ăn lương khô và cháo do nhà bếp nấu. Cơn say sóng đáng sợ đến mức anh em phóng viên trên tàu phải đùa rằng: “Đồng chí Cường chú ý, đồng chí Cường chú ý, tàu 2016 đang đi trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đề nghị đồng chí tuân thủ chấp hành mỗi bữa ăn ít nhất một bát cơm giữ gìn sức khỏe để tiếp tục chiến đấu với tàu Trung Quốc”.
Biển Hoàng Sa những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 chưa có sóng lớn nhưng cũng đủ quật ngã những người lần đầu đi biển. Những ngày ở Hoàng Sa, chúng tôi nghe kể nhiều câu chuyện về việc say sóng của phóng viên, kể cả phóng viên nước ngoài.
Đó là nữ phóng viên của đài NHK (Nhật Bản) ra Hoàng Sa được ba ngày phải xin tàu về đất liền vì không chịu được sóng dữ.
Chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển 4032 kể chuyện một phóng viên báo ngành, từng đi Trường Sa, nhưng 3 - 4 ngày ở Hoàng Sa, anh cũng phải nằm bẹp dí trên giường, không ngóc đầu lên được.
“Thấy anh này mệt quá, ở lại cũng không làm gì được lại có ý định xin về buộc chúng tôi phải tìm tàu cho về”, thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, Hải trưởng Hải đội 201 (Vùng Cảnh sát biển 2), nói.
|
Cảnh sát biển cũng nôn nao
Say sóng không những là nỗi lo lắng thường trực của cánh nhà báo lần đầu tiên ra Hoàng Sa mà còn là lo lắng của chiến sĩ cảnh sát biển, nhất là những chiến sĩ trẻ.
Anh Bùi Công Đức - chiến sĩ trên tàu CSB 2016 - kể lại lần đầu tiên mình bị say sóng biển. Lần đó cuối năm 2013, mới lên tàu 2016, anh Đức bị say sóng nằm liệt giường tới hơn 10 ngày liền, không ăn uống được gì. Lần say sóng gần đây nhất là vào ngày 15.5 khi tàu 2016 nhận lệnh ra Hoàng Sa đẩy đuổi tàu Trung Quốc và giàn khoan Hải Dương-981. Ra tới nơi, anh Đức bị say sóng tới hơn một tuần liền.
“Say sóng kinh khủng lắm. Lúc đó không muốn làm gì cả, chỉ muốn nằm thôi. Nhưng vì nhiệm vụ đi ca, có lúc 2 - 3 giờ sáng lên boong làm nhiệm vụ canh gác. Lúc đó chỉ biết ôm cột cờ để xem có tàu Trung Quốc nào áp sát tàu mình hay không”, anh Đức nói.
Thiếu úy Nguyễn Đức Hùng trên tàu CSB 2016 cho hay khi mới lên tàu đi biển không ít lần anh Hùng say sóng. Thậm chí có lúc tới 3 - 4 ngày anh Hùng không ăn uống được gì. Mới đây khi nhận nhiệm vụ xua đuổi giàn khoan Hải Dương-981, không ít lần anh Hùng cảm thấy nôn nao khi tàu chòng chành vì gặp sóng lớn ở Hoàng Sa.
Anh Hùng cho biết khi say sóng, người bị say chỉ muốn nằm bẹp xuống giường không muốn làm gì. Tuy nhiên với người kinh nghiệm đi biển, người say sóng không nên nằm vì rất dễ say mà thay vào đó lên boong tàu tìm chỗ nào đó thoáng đãng hít khí trời cho khỏe người.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm, người mới đi biển dễ bị say nên ăn nhiều bữa chứ không nên ăn no. Khi say không được bỏ ăn dễ ảnh hướng sức khỏe mà phải gắng ăn, ăn mỗi lần một ít cũng được.
“Phải ăn thì mới có sức khỏe. Thậm chí ăn vào rồi ói ra cũng tốt hơn không ăn gì”, anh Hùng nói. Có như vậy, mới đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc chống chọi, đấu tranh kéo dài để xua đuổi giàn khoan Hải Dương-981 đang hạ đặt trái phép.
(Còn tiếp)
Trung Hiếu
>> Video clip: Đêm tiếp cận giàn khoan trái phép Hải Dương-981
>> Tàu kiểm ngư tiến sâu, gây áp lực buộc Trung Quốc sớm rút giàn khoan
>> Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép cạnh giàn khoan Hải Dương-981
>> Trung Quốc bắn thử nghiệm tên lửa ngay khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
>> Vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương - 981: Chuyện những tấm đệm của tàu Hải cảnh Trung Quốc
Bình luận (0)