Hoàng Sâm chinh phục xạ thủ Tạ Đình Đề

25/12/2020 06:45 GMT+7

Ở Chiến khu 2 và Liên khu 3 nhiều người biết đến tên tuổi một xạ thủ bắn súng hai tay như một, có thể bắn tắt điếu thuốc lá trên vành môi người đứng cách xa hàng chục mét.

Đó là Tạ Đình Đề! Vậy mà xạ thủ Tạ Đình Đề còn chịu thua Khu trưởng Hoàng Sâm.

Đội trưởng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Ngày 22.12.1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chính thức được thành lập. Hoàng Sâm được cử làm đội trưởng. Xích Thắng làm chính trị viên. Đội gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội. Họ là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, được chọn lựa từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng và một số người đi học nước ngoài về. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng Sâm, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã lập hai chiến công hạ đồn Phai Khắt và Nà Ngần mở đầu truyền thống “Đánh thắng trận đầu” của quân đội ta.
Ba năm sau, năm 1947, trong cuốn Đội quân giải phóng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đây là Hoàng Sâm, đội trưởng, từ lúc bé đã thoát ly gia đình làm cách mạng, bôn tẩu từ trong nước sang Xiêm La (Thái Lan) và Trung Quốc, trở về hoạt động ở miền biên giới. Bao nhiêu năm truy nã, đã từng lặn lội trong dân chúng Kinh, Thổ, Mán, Nùng, đã từng vũ trang chiến đấu nhiều với quân tuần tiễu của Pháp và đã làm cho bọn thổ phỉ nghe tiếng là phải khiếp sợ”.
Tôi từng có dịp hỏi chuyện ông Hoàng Sùng, trưởng nam của thiếu tướng Hoàng Sâm. Nhớ về cha, ông Sùng tâm sự giản dị: “Bố tôi được Bác Hồ tin cậy, giao cho nhiều trọng trách. Nhiều lúc, tôi cũng suy nghĩ: Tại sao mình không viết về bố như một số bạn bè tôi, họ viết sách về cha mẹ, để lại cho người thân, cho con cháu, cho thế hệ trẻ mai sau biết được về thế hệ cha ông… Nhưng rồi lực bất tòng tâm”.
Tuy vậy, trong suy nghĩ của ông Hoàng Sùng, niềm tự hào mà cha để lại cho con cháu là dù hy sinh từ rất sớm nhưng sau này ông vẫn được mọi người nhắc tới. Hoàng Sâm được nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, tiếp đó là đặt tên phố Hoàng Sâm năm 2000 để tưởng nhớ công lao của ông đối với đất nước. Đó là vinh hạnh vô bờ bến của những người thân trong gia đình thiếu tướng Hoàng Sâm.

Linh hồn của Bộ Chỉ huy Tây Tiến

Cuối năm 1945 đầu năm 1946 vùng Tây Bắc - Chiến khu 2 là một mặt trận nóng bỏng vì quân Pháp từ Côn Minh - Vân Nam (Trung Quốc) tràn xuống Bắc Lào rồi chiếm Lai Châu - Điện Biên Phủ làm bàn đạp để đánh xuống Sơn La, Hòa Bình. T.Ư Đảng cử các ông Hoàng Sâm làm Khu trưởng, Lê Hiến Mai làm Chính ủy Chiến khu 2. Những cựu chiến binh của đoàn binh không mọc tóc từng có tuổi trẻ hào hoa đã đi vào thơ Quang Dũng còn nhớ: “Các anh Hoàng Sâm và Lê Hiến Mai là linh hồn của Bộ chỉ huy mặt trận này đã theo sát diễn biến và điều quân đối phó linh hoạt với cả quân Pháp và quân Tàu Tưởng”.
Ông Hoàng Sinh, người có thời gian làm việc gần Khu trưởng Hoàng Sâm trong Bộ Chỉ huy Chiến khu 2 và Bộ Tư lệnh Liên khu 3, luôn nhớ những kỷ niệm đẹp về người anh lớn trong những ngày kháng chiến gian khổ. Ông đã kể lại trong hồi ký 50 năm Tây Tiến (1997): “Trên đường Tây Tiến năm 1945 anh Sâm đã có một cuộc thi uống rượu với Liên trưởng Tàu Tưởng tại thị xã Hòa Bình. Kết quả Khu trưởng ta thắng Liên trưởng Tàu Tưởng và chúng đã phải bàn giao 300 khẩu súng bộ binh của Pháp do Nhật tịch thu được sau sự kiện 9.3.1945”.
Tài bắn súng ngắn cả hai tay của thiếu tướng Hoàng Sâm còn được lưu truyền trong ký ức những chiến sĩ trên đoàn binh Tây Tiến (1947 - 1948).
Ông Hoàng Sinh nhớ lại khi mới từ Tây Tiến về Liên khu bộ làm Bí thư Khu trưởng Hoàng Sâm, ông được giao quản lý khẩu súng ngắn Walther 7,65 m/m của khu trưởng. Một hôm, đúng dịp anh “xạ thủ” nổi tiếng Tạ Đình Đề có mặt ở Bộ tư lệnh liên khu để báo cáo tình hình Biệt động đội TP.Hà Nội, Khu trưởng Hoàng Sâm đã gọi xạ thủ Tạ Đình Đề ra thi bắn. “Chúng tôi được làm trọng tài chứng kiến cuộc thi bắn không hẹn hò trước này. Mục tiêu là chùm sung rừng ở cách xa 20 mét, mỗi người bắn 3 viên. Kết quả, xạ thủ Tạ Đình Đề thua điểm”, ông Hoàng Sinh kể.
Khu trưởng Hoàng Sâm đã chinh phục xạ thủ Tạ Đình Đề như vậy.
“Tháng năm đã qua đi nhưng những kỷ niệm về Tây Tiến vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức những người ra trận ngày ấy”, ông Nguyễn Chính, nguyên Chánh văn phòng Mặt trận Tây Tiến, tự hào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.