Hoang tàn dự án quản lý rác thải

01/09/2022 11:58 GMT+7

Năm 2012, dự án Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo TP. Kon Tum được triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư trên 2,95 tỉ đồng.

Dự án được thực hiện từ nguồn vốn tài trợ của Ủy ban Kinh tế - xã hội Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UN-ESCAP) và Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển (ENDA).

UBND TP.Kon Tum đã thành lập Ban Quản lý dự án Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo thành phố; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn và thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng xưởng chế biến rác thải tại khu vực bãi rác cũ của thành phố (thuộc P.Ngô Mây, TP.Kon Tum).

Dự án sau khi đi vào sử dụng được 2 năm thì dừng hoạt động

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi công trình đi vào sử dụng, để tiếp tục duy trì hoạt động của xưởng chế biến và công tác phân loại rác tại nguồn, Ban quản lý dự án tiếp tục kêu gọi tổ chức UN-ESCAP và ENDA tài trợ thêm 13.500 USD nữa.

Toàn bộ nguồn viện trợ này sau đó được chuyển giao cho Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Kon Tum (nay là Công ty CP môi trường đô thị Kon Tum) 5.000 USD để duy trì hoạt động của Xưởng chế biến phân compost và 8.500 USD cho P.Quang Trung (TP.Kon Tum) để thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn.

Dự án được đánh giá cao về tính hữu ích, bởi theo hồ sơ thiết kế, đây là xưởng sản xuất phân hữu cơ với công suất ủ 5 tấn rác thải hữu cơ/ngày, cho ra khoảng 300 - 500 kg sản phẩm phân compost mỗi ngày. Ngoài việc cung cấp phân hữu cơ cho người nghèo, dự án này còn góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân nơi đây. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm đi vào sử dụng thì dự án ngừng hoạt động.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên diện tích 1 ha (thuộc P.Ngô Mây), công trình luôn trong tình trạng khóa cửa, xung quanh phân xưởng cỏ cây mọc um tùm. Sau nhiều năm bỏ không, nhiều hạng mục của công trình đã bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng.

Sau nhiều năm bị bỏ hoang, nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp

ĐỨC NHẬT

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Chánh văn phòng UBND TP.Kon Tum, nguyên nhân dẫn đến việc công trình đóng cửa là do số hộ tham gia việc phân loại rác ngày càng giảm, chỉ đáp ứng khoảng 20 - 25% công suất của các bể ủ. Rác hữu cơ ít, không đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho xưởng hoạt động. Trường hợp thu gom rác chưa phân loại thì chi phí phục vụ cho việc tự phân loại tại xưởng lại quá cao, không hiệu quả, việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để tiếp tục vận hành dự án rất khó khăn, không thực hiện được.

Và quan trọng nhất là sau khi nguồn kinh phí tài trợ hết thì dự án cũng “tắt thở” vì không cân đối được kinh phí để bù lỗ. Hiện nay, dự án này vẫn được Ban Quản lý dự án Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo TP.Kon Tum quản lý, bảo vệ theo quy định.

Cũng theo ông Tuấn, hiện tại vị trí khu đất này thuộc dự án chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất thực hiện quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên không còn phù hợp để tiếp tục duy trì hoạt động xử lý rác. Ban quản lý dự án đang phối hợp với các ngành chức năng hoàn chỉnh hồ sơ thanh lý tài sản tại dự án theo quy định.

Trong khi đó, người dân rất bức xúc khi dự án bị bỏ hoang, không phát huy tác dụng. Anh Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi, trú P.Ngô Mây, TP.Kon Tum) cho rằng việc bỏ một số tiền lớn để đầu tư một công trình rồi bỏ hoang, không phục vụ lợi ích của người dân là quá lãng phí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.