Trong đó, vị hoàng thân - chàng kỹ sư cầu đường đầu tiên của Đông Dương Souphanouvong đã ghi dấu ấn tại nhiều công trình thủy lợi ở hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Đập Bái Thượng |
PHÚC NGƯ |
Đập Souphanouvong
Tháng 6.1937, sau khi tốt nghiệp kỹ sư cầu đường ở Pháp, Hoàng thân Souphanouvong trở về Đông Dương và được bổ nhiệm làm công chức tại Sở Công chính Nha Trang (trực thuộc Khu Công chính II Trung kỳ). Từ đây, ông đã đến nhiều địa phương ở khu vực miền Trung VN với vai trò thiết kế, chỉ huy vận hành nhiều công trình thủy lợi, giao thông quan trọng. Ông đã có nhiều năm sống và làm việc tại thị xã Vinh (nay là TP.Vinh), Nghệ An.
Công trình thủy lợi Bắc Nghệ An được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1932, hoàn thành năm 1937. Tư liệu của ngành thủy lợi Nghệ An cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ tại Sở Công chính Nha Trang, Hoàng thân Souphanouvong đã đến Nghệ An để tham gia nghiệm thu kỹ thuật công trình này và chỉ huy vận hành, khai thác công trình. Công trình thủy lợi Bắc Nghệ An lấy nước từ sông Lam bằng con đập chặn dòng ở H.Đô Lương với 12 cửa van thép. Hệ thống kênh đào tự chảy này dài hàng chục cây số, kéo dài qua 4 huyện, trong đó có một đường hầm xuyên núi dài 502 m.
Ông Nguyễn Văn Phượng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH-MTV thủy lợi Bắc Nghệ An, cho biết đến nay, hệ thống thủy lợi tự chảy này đang cung cấp nước tưới cho hơn 70.000 ha đất nông nghiệp của 4 huyện. Công trình từng bị bom đạn trong chiến tranh đánh phá nhiều lần nhưng ngay sau đó lại được duy tu, liên tục đảm bảo nguồn nước tưới cho lúa và hoa màu của hàng trăm ngàn hộ nông dân trong suốt hơn 80 năm qua. Điều đặc biệt của công trình thủy lợi này là nước tự chảy đến đồng ruộng, rất ít vị trí phải dùng máy bơm và hiếm khi hệ thống bị cạn nước dù ở mùa nắng hạn.
Cũng trong thời gian này, Hoàng thân Souphanouvong đã gắn bó với công trình thủy lợi đập Bái Thượng chắn ngang sông Chu (ở xã Xuân Bái, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa). Hoàn thành vào năm 1928, đập Bái Thượng là công trình thủy lợi được thiết kế, xây dựng quy củ đầu tiên ở VN và lớn nhất Đông Dương. Ngay sau khi đập hoàn thành, Hoàng thân Souphanouvong đã được điều động ra chỉ huy vận hành công trình thủy lợi này. Sự gắn bó của hoàng thân với công trình khiến người dân địa phương gọi đập Bái Thượng là đập Souphanouvong như một kỷ niệm về sự gắn bó của ông với công trình và với vùng đất này.
Kỹ sư thủy lợi Lê Văn Thủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sông Chu, đánh giá đập Bái Thượng một thời là trái tim trong điều tiết thủy lợi của Thanh Hóa. Con đập này hết sức quan trọng, phục vụ tưới cho hơn 50.000 ha lúa của Thanh Hóa, đặc biệt là các huyện trọng điểm lúa như Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống, Đông Sơn, Quảng Xương và TP.Thanh Hóa. Hiện nay, đập Bái Thượng còn là nguồn cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn. “Tất cả các hệ thống thủy lợi lớn ở tỉnh Thanh Hóa như hồ Sông Mực, Yên Mỹ, Cửa Đạt và hàng trăm hồ đập nhỏ khác so với Bái Thượng thì Bái Thượng vẫn là “đỉnh nhất”, chất lượng nhất, hiệu quả nhất. Có những tuyến kênh của hệ thống Bái Thượng sau gần 100 năm vẫn hiệu quả, không thể thay thế. Gần 100 năm, nhưng nhiều cầu, cống làm bằng bê tông của hệ thống đập Bái Thượng vẫn đang còn rất tốt. Đến giờ, đập vẫn vận hành và phát huy rất hiệu quả, không bị lỗi thời”, ông Thủy đánh giá.
Bara Đô Lương, công trình chặn dòng sông Lam để nước tự chảy vào hệ thống kênh đào |
TƯ LIỆU |
Thiết kế hồ chứa Sông Rộ
Một công trình thủy lợi khác ghi dấu ấn của Hoàng thân Souphanouvong là hồ chứa nước Sông Rộ (Nghệ An). Năm 1944, hoàng thân đã tham gia duyệt thiết kế và phương án thi công công trình này ở xã Võ Liệt, H.Thanh Chương (Nghệ An). Hồ chứa Sông Rộ có dung tích 4 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho hơn 1.100 ha đất nông nghiệp của xã Võ Liệt và các xã vùng hạ du.
Sông Rộ xuất phát từ dãy Trường Sơn, chảy qua xã Thanh Thủy, xã Võ Liệt và xã Thanh Chi rồi đổ ra sông Lam. Khác với các hồ chứa nước được thiết kế từ việc đắp đập chặn ngang dòng, hồ chứa Sông Rộ được thiết kế bằng cách đắp đập ở cuối một thung lũng để tạo ra hồ chứa nước. Nguồn nước được dẫn từ sông Rộ vào hồ bằng con kênh đào với một cống điều tiết. Ông Phan Chí Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Võ Liệt, cho biết đến nay hồ chứa nước này vẫn có tác dụng rất tốt, luôn cung cấp đủ nước tưới cho người dân ngay cả khi hạn hán kéo dài.
Ngoài việc thiết kế hồ chứa Sông Rộ, vận hành đập Bái Thượng, Hoàng thân Souphanouvong còn thiết kế, xây dựng nhiều công trình giao thông và thủy lợi khác, như: tháp nước Phan Thiết (Bình Thuận) đến nay vẫn đang phát huy tác dụng; đập Phú Cam, ngăn sông Ba (Phú Yên) lấy nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân; cầu Ròn (tỉnh Quảng Bình)… Điều hết sức đặc biệt là Hoàng thân Souphanouvong đã vẽ bản thiết kế tháp nước Phan Thiết khi ông đang là học sinh trung học tại Trường Albert Sarraut. Tháp nước có hình trụ bát giác, với chiều cao 32 m, gồm 3 phần: thân tháp, bầu đài và mái. Sau gần trăm năm, tháp nước vẫn đứng vững uy nghi giữa lòng thành phố, trở thành biểu tượng của Phan Thiết. Năm 2018, tháp nước Phan Thiết đã được UBND Bình Thuận quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Theo tư liệu của ngành đường sắt VN, từ năm 1937 - 1945, Hoàng thân Souphanouvong đã đảm nhận trách nhiệm quản lý kỹ thuật và chỉ huy “duy tu dưỡng lộ” cầu đường sắt Yên Xuân. Cây cầu này bắc qua sông Lam, nối liền tuyến đường sắt Bắc - Nam. Cầu được xây dựng từ năm 1917, hoàn thành năm 1925, gồm 7 nhịp, dài
427,202 m. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cầu bị địch đánh phá nhiều lần, hư hỏng nặng, chỉ còn mố, trụ. Đến năm 1976, cầu được khôi phục và tồn tại cho đến nay.
Gắn bó với Hoàng thân Souphanouvong khi hoàng thân còn ở Nghệ An là cụ Nguyễn Trọng Phòng, một viên chức kỹ thuật từng làm trợ lý cho kỹ sư Souphanouvong. Ông Đào Tam Tỉnh (68 tuổi, nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An), cháu ngoại cụ Nguyễn Trọng Phòng, cho biết cơ quan Hoàng thân Souphanouvong lúc đó đặt ở thị xã Vinh. Hoàng thân đã gắn bó với mảnh đất này và thân cận với gia đình cụ Phòng.
Tháng 9.1945, trước khi rời Nghệ An ra Hà Nội gặp Cụ Hồ, rồi sau đó trở về Lào tổ chức kháng chiến cứu nước, Hoàng thân Souphanouvong đã tặng gia đình cụ Nguyễn Trọng Phòng 1 đôi đũa ngà voi, 1 chiếc ấm trà bằng sứ và 2 bồ sách với hàng chục cuốn bằng tiếng Pháp. Năm 2020, sau khi bà Nguyễn Thị Hiếu, con gái của cụ Phòng mất, các hiện vật này được chuyển cho con trai của cụ Phòng ở Hà Nội lưu giữ như một kỷ vật vô giá của gia đình với hoàng thân.
Đánh giá về Hoàng thân Souphanouvong, nhiều nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm, với tư cách là một trong những kỹ sư cầu đường đầu tiên của Đông Dương được đào tạo bài bản tại Pháp, Hoàng thân Souphanouvong đã để lại nhiều dấu ấn trên những công trình thủy lợi, cầu cống mà người Pháp đã xây dựng tại Đông Dương nói chung và VN nói riêng. Còn với tư cách là một nhà cách mạng, công trình mà Hoàng thân Souphanouvong để lại cho lịch sử chính là mối quan hệ hữu nghị đặc biệt VN - Lào thủy chung hiếm có.
Bình luận (0)