Đào Huy Hoàng là thư pháp gia hiếm hoi ở Việt Nam được đào tạo bài bản về kỹ thuật từ những bậc thầy thư pháp thế giới tại Mỹ, Na Uy. Là thành viên của IAMPETH, hiệp hội dành cho những thư pháp gia khắp thế giới, Huy Hoàng cũng được mời giảng dạy thư pháp tại các nước như Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia…; tham gia các hội thảo thư pháp quốc tế ở Canada, Úc, Mỹ; có triển lãm cá nhân đầu tay năm 2019, trưng bày tác phẩm và bộ cán bút thủ công trong triển lãm văn hóa Việt - Nhật tại Osaka.
Thành danh với thư pháp, nhưng Đào Huy Hoàng có biệt tài chế tác bút sắt dùng cho việc viết thư pháp theo ký tự latin. Trong khi chữ viết tay không được chú trọng như trước, nhiều người sử dụng công nghệ thay thế như máy tính, điện thoại thông minh…; Huy Hoàng lại tập trung theo đuổi ngành hẹp là nghệ thuật chữ viết tay, chế tác bút sắt và nghệ thuật sơn mài Urushi của Nhật Bản. Tính theo tuổi nghề, Huy Hoàng đã có 12 năm học hỏi, luyện tập và giảng dạy thư pháp, 10 năm làm bút.
Trụ lại với nghề ngần ấy thời gian, kỹ thuật thêm điêu luyện, lượng bút sản xuất hằng năm càng nhiều, Huy Hoàng chia sẻ: "Tôi làm phải đến 8.000 - 9.000 cây bút rồi, cái khó ban đầu là không người chỉ dạy, chuyên môn không có, kỹ thuật không, máy móc thiếu thốn, vật liệu khó tìm… Nhưng nhờ là tay ngang nên tôi không bị ràng buộc vào nguyên tắc sản xuất, dễ tiếp nhận những cái mới lạ và sẵn sàng thử nghiệm, trải nghiệm các kỹ năng liên quan đến chế tạo, thủ công".
Cấu tạo một cây bút sắt gồm quản bút và ngòi bút, đơn giản thế nhưng để chế tác được cây bút hoàn hảo, có tính nghệ thuật, là hành trình dài. Để tập kỹ năng viết chữ đẹp, đòi hỏi tính kiên nhẫn và kiên trì rèn luyện, tác phẩm thể hiện vừa là cá tính, nguyên tắc, hội tụ cả yếu tố nghệ sĩ trong đó. Trong chế tác bút sắt thủ công, để bút có tính nghệ thuật, người làm nghề cũng phải luyện đến tinh xảo mới thành.
Cái khó trong chế tác bút sắt là việc tạo hình phải đạt tỷ lệ tối ưu, Đào Huy Hoàng có lợi thế khác biệt với phần lớn người chế tác bút sắt, bởi bản thân là thư pháp gia, biết khai thác tối đa thế mạnh của cây bút khi viết. Hiểu được bút thì viết đẹp, biết về chữ thì làm bút hợp lý, đấy là cách anh từng ngày hoàn thiện mình. Anh nói thêm: "Bút sắt có công thức chung, giống như người học nấu ăn biết công thức, nhưng ra món không phải ai cũng đều như ai. Làm bút cũng vậy, cần thời gian luyện tay nghề, học cách xử lý nguyên vật liệu để cây bút thêm đẹp. Một cây bút sử dụng tốt, có vẻ ngoài đẹp thì cần thời gian, không thể một sớm một chiều là làm được".
Xây dựng một không gian sáng tác, giảng dạy thư pháp, rồi thêm một không gian nhà xưởng chuyên dùng chế tác bút sắt, sản xuất đều đặn, giá thành trung bình từ 1 - 10 triệu đồng cho một cây bút thủ công, hàng làm bán không kịp, nhưng Huy Hoàng không sử dụng thương hiệu để phát triển sản phẩm với lý do: "Tôi quan niệm thương hiệu tốt nhất là... không có thương hiệu, do vậy bút tôi làm ra không có tên. Tôi không thuyết phục người mua bằng kể chuyện, mà bằng kỹ thuật thực sự, người mua cảm nhận và họ thấy mức giá tôi đề ra là xứng đáng. Tôi đang đặt thử thách cho chính mình sản xuất những cây bút tập trung vào sự tinh gọn, nghệ thuật, mức giá từ 10 - 25 triệu đồng. Người từng sử dụng bút tôi chế tác đều cảm nhận được ngay và thường trở lại tìm mua, quyết định rất nhanh, không suy nghĩ đắn đo gì cả".
Bình luận (0)