Hoành Sơn quan là di sản liên tỉnh?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/09/2023 07:27 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho biết chính quyền Hà Tĩnh, Quảng Bình đang cùng quản lý di sản Hoành Sơn quan theo địa giới hành chính.

Di tích hằng ngày vẫn tổ chức đón tiếp khách

Từ góc độ quản lý nhà nước của Cục Di sản văn hóa, xin ông cho biết trách nhiệm giữ gìn, tu bổ và phát huy di tích Hoành Sơn quan thuộc về địa phương nào, Quảng Bình hay Hà Tĩnh?

Năm 2002, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 1738 ngày 2.8.2002 liên quan xếp hạng di tích cấp tỉnh với Hoành Sơn quan. Năm 2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 412 QĐ/UB-VX ngày 14.3.2005 cũng liên quan việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích Hoành Sơn quan. Vì vậy, di tích được bảo vệ theo pháp luật về di sản văn hóa. Hiện nay, chính quyền địa phương hai tỉnh đang quản lý di tích này theo địa giới hành chính.

Hoành Sơn quan là di sản liên tỉnh? - Ảnh 1.

Hoành Sơn quan sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu hai địa phương gắn kết

Nguyễn Phúc

Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng đầu tư tu bổ di tích (tu bổ cổng thành, sân đường, hạ tầng di tích…). Theo thông tin của Phòng Di sản văn hóa, Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh và Bảo tàng tỉnh Quảng Bình, di tích hằng ngày vẫn tổ chức đón tiếp khách đến tham quan.

Hiện nay, chính quyền địa phương hai tỉnh đang quản lý di tích này theo địa giới hành chính. Xin ông nói rõ hơn về việc quản lý theo địa giới hành chính này?

Phòng Di sản văn hóa và bảo tàng của hai tỉnh cho biết, hiện nay di tích đang được giao cho UBND cấp huyện thuộc Quảng Bình và UBND cấp xã thuộc Hà Tĩnh trông nom bảo vệ.

Hai tỉnh có thể xây dựng hồ sơ đề nghị bộ xem xét

Ông có thể cho biết thêm thông tin về việc cả hai tỉnh từng đề nghị xếp hạng Hoành Sơn quan là di tích lịch sử văn hóa quốc gia nhưng đều không được chấp nhận?

Theo thông tin Cục Di sản văn hóa nắm bắt từ cơ quan quản lý di tích ở địa phương, cuối những năm 2000, cơ quan chức năng quản lý văn hóa của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã có những trao đổi về phương án xem xét xây dựng hồ sơ xếp hạng quốc gia đối với di tích này. Tuy nhiên, đến nay Cục Di sản văn hóa được biết các cơ quan chức năng của hai tỉnh vẫn chưa đi đến thống nhất phương án xây dựng hồ sơ chung để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét về việc này.

Hoành Sơn quan là di sản liên tỉnh? - Ảnh 2.

Hoành Sơn quan đang bị vẽ bậy, xuống cấp

Phạm Đức

Như vậy, không hề có chuyện hai tỉnh đã làm hồ sơ xét danh hiệu di tích cấp quốc gia nhưng bị Cục Di sản từ chối, thưa ông?

Với chức năng được giao là cơ quan tham mưu, Cục Di sản văn hóa sẽ tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học thuộc hội đồng xếp hạng di tích để trình cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng di tích quốc gia khi nhận được hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Liệu trong trường hợp này có thể làm hồ sơ cho Hoành Sơn quan trở thành di tích liên vùng? Luật Di sản văn hóa có cho phép điều đó không, xin Cục cho biết lý do?

Về đề xuất làm hồ sơ Hoành Sơn quan là di tích liên vùng, Cục Di sản văn hóa cho rằng cơ quan chức năng về văn hóa của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh cần phối hợp tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế tại di tích. Trong trường hợp khu vực bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành di tích (cổng, đường lên xuống…) và diện tích bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích (Đèo Ngang) dự kiến thuộc địa giới cả hai tỉnh, thì hai tỉnh có thể xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định.

Hiện nay, Bộ VH-TT-DL đang được giao tổ chức xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung luật Di sản văn hóa. Trong thời gian tới, các quy định về xếp hạng di tích liên vùng sẽ được nghiên cứu, xem xét bổ sung cụ thể hơn.

Xin cảm ơn ông! 

Đặt lợi ích quốc gia, lợi ích di sản lên trên

"Hải Vân quan và Hoành Sơn quan là do triều đình nhà Nguyễn xây dựng để bảo vệ Huế. Khi Hoành Sơn quan hoang phế thì Hà Tĩnh đã bảo vệ di tích này, cũng đã muốn xin xếp hạng. Tôi cho rằng ai giữ cũng tốt, vì dù Quảng Bình hay Hà Tĩnh quản lý cũng vẫn là di tích của VN. Chúng ta nên hợp tác với nhau, cùng làm một dự án tu bổ. Khách từ Hà Tĩnh cũng dừng chân, mà khách từ Quảng Bình cũng dừng lại. Hai địa phương nên cùng nhau hợp tác giữ di sản của cha ông chứ không nên phân biệt tỉnh này tỉnh kia. Điều này mô hình quản lý Hải Vân quan giữa Huế và Đà Nẵng cũng cho thấy điều đó.

Việc các cộng đồng cùng hợp tác bảo vệ một di sản không phải điều mới, chúng ta phải tránh các mâu thuẫn cộng đồng, tránh tinh thần cát cứ di sản. Bản thân UNESCO cũng khuyến khích việc có các di sản liên tỉnh, liên vùng, các cộng đồng cùng phối hợp với nhau. UNESCO cũng đưa ra lý thuyết bảo tồn di sản văn hóa dựa trên sự tham gia của các bên liên quan. Rõ ràng Quảng Bình có liên quan và Hà Tĩnh cũng liên quan chứ. Quảng Bình phải cảm ơn Hà Tĩnh vì nếu không có Hà Tĩnh thì Hoành Sơn quan đã bị hỏng lâu rồi. Giờ muốn tôn tạo khai thác thì hai địa phương cùng chung tay nhau, đừng cục bộ. Cả hai bên cùng nhau thương lượng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích di sản lên trên".

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.