Sáng 9.12, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 13 do Báo Đầu tư tổ chức diễn ra tại TP.HCM. Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút 8,8 tỉ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm 2019.
Hoạt động mua bán sáp nhập tại Việt Nam vẫn sôi động |
M.P |
Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính. Tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên khi có 1,6 tỉ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước. Ngành tiêu dùng thiết yếu, tài chính và bất động sản là các lĩnh vực thu hút nhiều M&A nhất, chiếm 55 - 60% tổng giá trị giao dịch trong những năm vừa qua và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong tương lai. Những thương vụ lớn đã diễn ra như Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui đầu tư 1,3 tỉ USD vào FE Credit; Quỹ SK South East Asia đầu tư 410 triệu USD vào Vincommerce hay Baring và Alibaba rót 400 triệu USD vào CrownX.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhận định môi trường cho hoạt động M&A Việt Nam khá thú vị và hấp dẫn. Các thương vụ M&A đang rất được quan tâm, với những thương vụ có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD và đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. M&A đang trở thành lựa chọn quan trọng của các doanh nghiệp và là cách thức để doanh nghiệp thu hút nhân tài. Chẳng hạn, các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm ngành tài chính, chăm sóc y tế sức khỏe, bán buôn - bán lẻ, IT; Các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đến ngành thương mại điện tử, logistics…
Nhìn chung, nhiều chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động và ngày càng tăng khi vẫn được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng. Đồng thời, hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được hoàn thiện, trong đó có hoạt động M&A sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động này...
Bình luận (0)