Những thương vụ M&A tỉ USD

01/05/2021 07:07 GMT+7

Thị trường mua bán sáp nhập (M&A) doanh nghiệp trở nên sôi động với sự xuất hiện các thương vụ có giá trị lớn lên cả tỉ USD.

Giá trị các thương vụ ngày càng tăng

Thương vụ vừa diễn ra 2 ngày trước, Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG), một trong 3 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn của Nhật sẽ mua lại 49% vốn cổ phần tại Công ty tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit) với giá 1,4 tỉ USD gây rúng động thị trường tài chính Việt Nam về quy mô và giá trị. Thương vụ M&A này được xem là lớn nhất của ngân hàng Nhật đầu tư vào một tổ chức tài chính Việt Nam. FE Credit là công ty trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), được định giá 2,8 tỉ USD.
Trước đó, thị trường M&A trong nước rúng động với “cú bắt tay” tỉ USD giữa Tập đoàn Vingroup và Masan diễn ra vào cuối năm 2019. Cụ thể, CTCP dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp) và CTCP hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) đã sáp nhập nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam...
Các thương vụ mua bán sáp nhập trên thị trường có quy mô, giá trị ngày càng lớn. Từ vài trăm triệu cho đến cả tỉ USD. Đơn cử năm 2019, thương vụ BIDV bán 15% cổ phần cho Keb Hana với giá 882 triệu USD (tương đương 20.200 tỉ đồng) được xem là khoản đầu tư có giá trị lớn nhất trên thị trường tài chính tính tới thời điểm đó. Hay vào tháng 4.2020, Tập đoàn FWD chính thức nhận được sự chấp thuận theo luật định cho việc mua lại Công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI, công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và BNP Paribas Cardif) trị giá 400 triệu USD; rồi Ngân hàng Nhật Aozora mua 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) trị giá 139 triệu USD.
Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021. Đứng đầu bảng vẫn là lĩnh vực tài chính ngân hàng. Các ngân hàng đang lên kế hoạch chào bán cổ phần, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo CMAC
Đặc biệt chỉ trong những tháng đầu năm nay, nhiều thương vụ lớn đã diễn ra khiến thị trường M&A trong nước trở nên sôi động. Đầu tháng 4 vừa rồi, Tập đoàn Masan (MSN) đã chính thức ký hợp tác để SK Group mua lại 16,26% công ty nắm giữ cổ phần VinCommerce (VCM) thông qua công ty con SK South East Asia Investment thực hiện. Tổng giá trị tiền mặt của thương vụ này là 410 triệu USD. Với giao dịch này, VCM được định giá 2,5 tỉ USD cho 100% vốn chủ sở hữu.
Ông Woncheol Park, Giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment, cho biết thỏa thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của SK vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam. Trước đó, SK Group cũng đầu tư khoảng 470 triệu USD vào Masan Group vào tháng 10.2018 (sở hữu khoảng 9,5%) và mua lại 6,1% cổ phần Vingroup vào tháng 5.2019.

Chưa có “kỳ lân” thu hút các đại gia công nghệ

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing (TP.HCM), nhận định thời gian qua, hoạt động M&A tại Việt Nam khá sôi động, nhất là các doanh nghiệp trong nước bán vốn cho nước ngoài.
Thương vụ của FE Credit cho thấy lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn rất tiềm năng và được nhà đầu tư ngoại quan tâm. Nhu cầu tín dụng nhỏ lẻ của người dân vẫn rất cao và những công ty tài chính tiêu dùng luôn đạt lợi nhuận lớn. Mặc dù ngành này có ẩn chứa rủi ro về nợ xấu nhưng điều đó cũng không gây cản trở sự tham gia của những tập đoàn lớn.
Đồng thời, doanh nghiệp trong nước bán bớt cổ phần cho nhà đầu tư ngoại ngoài tăng cường năng lực tài chính, có thể còn mong muốn nhận được sự hỗ trợ về công nghệ, về kinh nghiệm quản trị... để tiếp tục thúc đẩy công ty phát triển hơn. Không chỉ đàm phán bán cổ phần riêng lẻ, các doanh nghiệp nếu tự tin còn có thể thực hiện IPO (phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng) để thu được giá trị tốt hơn.
Tuy nhiên, trong các hoạt động M&A tại Việt Nam thì dòng vốn ngoại tham gia vẫn nhiều hơn và xu hướng đó chưa dễ bị đảo ngược. Bởi nhiều tập đoàn nước ngoài khi có mục tiêu muốn tham gia vào thị trường trong nước sẽ dễ chọn con đường mua lại các doanh nghiệp có sẵn tại địa phương để rút ngắn thời gian cũng như sẽ hiệu quả hơn.
TS Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: Hiện hoạt động M&A tại Việt Nam vẫn còn thiếu mảng công nghệ, chưa có những doanh nghiệp “kỳ lân” để thu hút mạnh các tập đoàn công nghệ thế giới. Chẳng hạn Tập đoàn Apple năm 2014 từng chi tiền thâu tóm một số công ty liên quan, như mua Beats Electronics chuyên về mảng âm thanh với giá lên 3 tỉ USD để tích hợp phát triển mảng thiết bị âm thanh cá nhân của Apple. Những vụ tích hợp này sẽ tạo ra giá trị rất lớn cho cả bên mua lẫn đơn vị được mua.
Theo ước tính trong 20 năm qua, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ M&A với giá trị đạt gần 50 tỉ USD, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về giá trị M&A. Việt Nam được đánh giá là quốc gia năng động trong hoạt động M&A khi thu hút dòng vốn ngoại và nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường. Với diễn biến phức tạp đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế. Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng dẫn đến giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 suy giảm hơn 51% so với năm 2019, ước đạt 3,5 tỉ USD.
Thế nhưng, Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập doanh nghiệp (CMAC) đưa ra dự báo khả quan rằng thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Cụ thể, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỉ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỉ USD vào năm 2022.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.