Tính tới tháng 7 vừa qua, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Thực tế này đang gia tăng sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc tìm giải pháp thúc đẩy nhu cầu nội địa.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng, gọi tắt là PMI, bao gồm cả hoạt động sản xuất và phi sản xuất, giảm từ 52,9 của tháng 6 xuống 51,1 trong tháng 7. PMI là thước đo chính về hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý 2.2023 do nhu cầu giảm ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Tình thế lúc này khiến Bộ Chính trị Trung Quốc - cơ quan ra quyết định cao nhất của Đảng Cộng sản cầm quyền - nhận định là việc phục hồi kinh tế rất gian nan.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển hằng năm. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng quốc gia này có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn của năm 2023 là khoảng 5% trong năm thứ hai liên tiếp.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế, tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước, củng cố niềm tin và ngăn ngừa rủi ro.
Trung Quốc sẽ thực hiện các điều chỉnh vĩ mô "một cách chính xác và mạnh mẽ" và tăng cường điều chỉnh ngược chu kỳ. Chính phủ nước này kiên định với chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động.
Nhiều nhà phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không thể triển khai bất kỳ biện pháp kích thích mạnh mẽ nào do lo ngại về nguy cơ tăng nợ.
Bình luận (0)