Học bổng Nguyễn Văn Huyên khuyến khích nghiên cứu nhân học

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/03/2022 07:06 GMT+7

Sinh viên Nguyễn Ngọc Linh Đan (Khoa Nhân học, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ nhiều chuyện thú vị trong nghiên cứu khoa học “Mua bán thần tượng người Hàn Quốc trên mạng xã hội trong cộng đồng người Việt Nam trẻ tuổi”.

Những người trẻ chia sẻ với cô về việc việc sưu tầm không chỉ giúp họ xả stress mà còn là một cách quản lý tiền. Những món đồ hết hàng sẽ luôn tăng giá, trở thành “hàng hot” và người sưu tầm có thể bán lại cho người khác. Album Summer diary 2019 của nhóm nhạc Blackpink thoạt tiên có giá 1 triệu đồng trong thời điểm mới ra mắt, hiện nay đã lên tới 3 triệu đồng. “Vẫn có nhiều người hâm mộ sẵn sàng bỏ số tiền như vậy để mua được album đó”, Linh Đan cho biết.

Nghiên cứu nhân học mạng cho thấy tại VN thường chỉ có biểu diễn nhạc giao hưởng offline và không có kho lưu trữ nhạc giao hưởng online

Lê Bích

Có nhiều nghiên cứu nhân học thú vị như vậy trong hội thảo nghiên cứu khoa học sinh viên của Khoa Nhân học diễn ra hôm qua (23.3). Chẳng hạn, nghiên cứu việc học sinh miền núi phía bắc và giáo dục trực tuyến trong đại dịch tại một trường học ở Lào Cai cho thấy xu hướng tự học online trên nhiều trang mạng. Nghiên cứu về sự thích ứng trong biểu diễn nhạc giao hưởng trực tuyến cho thấy hiện giao hưởng Việt Nam chưa có kho lưu trữ tư liệu online để phục vụ công chúng.

Một nghiên cứu khác lại cho thấy việc thờ cúng tổ tiên có giá trị “an thần” với người cao tuổi. Theo đó, việc thờ cúng này thường mang lại sự dễ chịu cho người cao tuổi, đặc biệt với người có niềm tin mãnh liệt với linh hồn người chết. Việc thờ cúng cũng tăng sự tương tác trong gia đình.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cũng rất vui với sự đa dạng của các nghiên cứu khoa học tại Khoa Nhân học, từ nghiên cứu của sinh viên đến người học sau đại học. Ông và gia đình đóng góp 150 triệu đồng để thành lập Quỹ học bổng Nguyễn Văn Huyên, dành cho các nghiên cứu sau đại học xuất sắc. Ngày 23.3, học bổng này lần đầu tiên được trao cho học viên cao học Viết Thị Thanh Hà, với đề tài “Vốn xã hội trong chuỗi miến thủ công ở làng Dương Liễu, H.Hoài Đức, Hà Nội”.

TS Emmanuel Pannier, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển (IRD) Pháp ở Hà Nội, đánh giá những nghiên cứu này đều thành công vì nội dung gắn bó với đời sống.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho biết hiện tại ngành nhân học ngày càng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, linh hoạt. “GS Nguyễn Văn Huyên cha tôi là một nhà dân tộc học, nhân học với nhiều nghiên cứu có giá trị đến tận bây giờ. Nhưng khi ông tham gia cách mạng, chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông không theo đuổi lĩnh vực này nữa. Tuy nhiên, ông vẫn một lòng trăn trở với lĩnh vực. Vì thế, gia đình tôi muốn làm sao để khuyến khích thế hệ trẻ đi theo con đường nghiên cứu dân tộc học, nhân học vì nó quan trọng với xã hội đương đại”, ông Huy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.