Kinh doanh ẩm thực luôn là một trong những lĩnh vực sôi động tại Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố du lịch. Vô vàn mô hình và thương hiệu ẩm thực mới từ các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, hay cả Mỹ liên tiếp xuất hiện tại thị trường thời gian qua. Đó là chưa kể đến hàng trăm ngàn quán kinh doanh món ăn của các vùng miền khắp cả nước quy tụ về mỗi tỉnh thành. Ở một khía cạnh khác, đây cũng là ngành được nhiều người trẻ hào hứng lựa chọn để khởi nghiệp. Các mô hình chuỗi nhà hàng, quán cà phê mang đi, thức ăn nhanh mọc "như nấm sau mưa" trên khắp các nẻo đường.
Đây là một tín hiệu tích cực cho ngành ẩm thực nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức rất lớn cho các cửa hàng truyền thống. Không ít thương hiệu ẩm thực nổi tiếng ở Việt Nam từng được nhiều kênh truyền thông quốc tế uy tín tôn vinh cũng chịu sức cạnh tranh mạnh, buộc phải tìm cách để "sống", đặc biệt là ở các thành phố du lịch. Và một trong những hướng đi giúp các thương hiệu "local" thành công trong việc giữ chân khách hàng là tận dụng cơ hội trên các ứng dụng giao nhận đồ ăn.
"Lên app" để thu hút khách hàng mới
10 năm có mặt tại Đà Nẵng, thương hiệu Bánh mì bà Đào đã trở nên quen thuộc không chỉ với người dân địa phương mà còn với khách du lịch. Khởi nghiệp từ một quán vỉa hè với hai anh em ruột "túc tắc" làm chung, nói không với quảng cáo, giảm giá, Bánh mì bà Đào tập trung vào chất lượng cùng các sản phẩm đa dạng.
Nhờ đó mà cửa hàng bán ra vài trăm ổ mỗi ngày. Khách địa phương, dân du lịch thưởng thức vị ngon của bánh mì truyền thống, giới thiệu bạn bè ghé quán. Hay những vị khách nghỉ ngơi tại nhiều khách sạn gần đó, cũng lựa chọn Bánh mì bà Đào là điểm đến quen thuộc.
Nhưng vài trăm ổ bánh mì vẫn là con số khiêm tốn ở một thành phố hơn 1,2 triệu dân cùng hàng vạn lượt khách du lịch mỗi ngày. Bên cạnh đó là thách thức khi vô vàn thương hiệu cùng phân khúc mọc lên ngày càng nhiều tại Đà Nẵng, hay xu hướng "ăn qua app" bỗng trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. Nhận thức được vấn đề này, Bánh mì bà Đào đã quyết định hợp tác với GrabFood ngay từ những ngày đầu ứng dụng này "đổ bộ" Đà Nẵng, vào khoảng cuối năm 2018.
Quả ngọt đến từ đây, doanh số cửa hàng tăng gấp 2-3 bình thường, hiện tại vào khoảng 1.000 ổ mỗi ngày. "Nhờ tệp khách hàng lớn và đa dạng ở các phân khúc của GrabFood mà mọi người biết đến thương hiệu Bánh mì bà Đào nhiều hơn, dần dần khách đến thưởng thức ở quán rất đông. Lượng đơn mua về ngày càng nhiều, nhất là khung giờ sáng và trưa", anh Phạm Tân Sinh - chủ cửa hàng cho biết.
Trong khi đó, Cơm gà Tùng - thương hiệu mới xuất hiện tại TP.Nha Trang hai năm trước, nhưng đã trở nên rất nổi tiếng tại thành phố du lịch này. Tiền thân từ một đơn vị chuyên cung cấp lượng gà lớn cho các nhà hàng qua 4 đời, đến đời anh Phan Duy Tùng - chủ thương hiệu, quyết định rẽ hướng sang kinh doanh cơm gà.
"Đời ông bà, cha mẹ mình không rành về phát triển thương hiệu, nên chỉ cung cấp cho nhà hàng xong rồi nghỉ. Tới đời mình đã có suy nghĩ rộng hơn, nhưng lúc đầu thì chỉ dừng lại ở việc kinh doanh vỉa hè và đưa lên online để kiếm sống qua ngày", anh Tùng cho biết.
Nhờ lợi thế về giá bởi được "lấy tận gốc, bán tận ngọn", Cơm gà Tùng đáp ứng được nhu cầu của tất cả khách hàng, từ dân lao động địa phương, học sinh sinh viên đến dân văn phòng hay khách du lịch. Nhưng với tư duy của một người sống trong thời đại công nghệ số, ngay từ khi quyết định rẽ hướng bán cơm gà, anh Tùng xác định mình sẽ bán online trên GrabFood. Những ngày đầu tiên xuất hiện trên ứng dụng giao nhận đồ ăn, Cơm gà Tùng chỉ có 1-2 đơn, nhưng cuối tháng lại lên hai đến ba chục đơn và sau đó tăng dần.
"Điểm đặc biệt, đa phần lượng khách trên ứng dụng này là khách du lịch. Hầu như khách hàng biết Cơm gà Tùng trên GrabFood trước, sau đó mới đến quán thưởng thức. Nhưng lượng khách đặt online vẫn là chủ yếu. Có nhiều bữa, đặc biệt là vào khung giờ buổi trưa, người ta đi qua thấy một cửa hàng "màu xanh" vì có quá nhiều shipper GrabFood đến lấy", anh Tùng cho biết thêm.
Nhờ các món ăn đa dạng, "giá mềm" cùng việc kết nối với các ứng dụng giao nhận đồ ăn, việc kinh doanh của Cơm gà Tùng trở nên rất thành công. Từ suy nghĩ ban đầu là "bán hàng qua ngày kiếm sống", anh Tùng dự định sẽ mở thêm các cửa hàng khác tại Nha Trang và Đà Lạt trong thời gian tới.
Tận dụng lợi ích từ app để "gia tăng" nhận diện thương hiệu
Dù là cửa hàng tên tuổi cả chục năm như Bánh mì bà Đào, hay "lính mới" trên thị trường như Cơm gà Tùng, sự hợp tác với GrabFood còn mang lại cho các quán ăn, nhà hàng nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng và cơ hội nâng cao doanh số.
Chủ thương hiệu Bánh mì bà Đào cho biết, đơn giá trên menu và trên ứng dụng GrabFood của các món ăn là không thay đổi. Việc thường xuyên tham gia vào những chiến dịch khuyến mại do Grab khởi xướng đã góp phần thu hút lượng lớn thực khách mới cho thương hiệu.
Đồng quan điểm, đại diện Cơm gà Tùng cũng chia sẻ, bên cạnh nhiều mã khuyến mại, GrabFood hỗ trợ việc gợi ý các món ăn phổ biến trên ứng dụng cho quán. GrabFood cũng trang bị cho cửa hàng các vật dụng như dù, standee, biển bảng, menu, ống đũa, tạp dề… vừa hữu ích, vừa giúp việc xây dựng nhận diện thương hiệu trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nhờ những thành tựu nổi bật đã đạt được, mới đây, Bánh mì Bà Đào và Cơm gà Tùng đã được Grab vinh danh tại hạng mục "Lựa chọn hàng đầu của du khách" tại Hội nghị Nhà hàng và Đối tác 2023.
Có mặt tại sự kiện, đại diện thương hiệu Bánh mì bà Đào chia sẻ: "Từ Đà Nẵng bay vào TP.HCM tham dự Hội nghị nhà hàng và đối tác của Grab, tôi chỉ nghĩ đơn giản là đến góp vui thôi nhưng không ngờ thương hiệu mình lại được trao giải thưởng này. Thật sự rất vui và bất ngờ".
Bình luận (0)