Học đại học để làm gì? | Kỳ 3: TS. Trần Vinh Dự và chọn ngành nghề

Học đại học để làm gì? | Kỳ 3: TS. Trần Vinh Dự và chọn ngành nghề

09/02/2023 09:00 GMT+7

Đừng hoang mang quá, đừng tạo áp lực cho mình quá ngay trong thời gian đầu là phải chọn đúng nghề ngay. Bản thân mình nhiều khi còn không hiểu mình. Chuyện đó cũng bình thường. Có chọn sai thì cũng không phải là sụp đổ mọi thứ (TS. Trần Vinh Dự)

Tôi không nghĩ là ai cũng phải học đại học. Và tôi cũng không nghĩ học đại học là con đường duy nhất để thành công. Không nhất thiết phải học đại học mới kiếm được tiền hay trở thành người nổi tiếng và làm người có ích cho xã hội.

Học đại học là một câu chuyện có thì tốt nhưng không phải điều kiện cần mà cũng không phải là điều kiện đủ. Học đại học nếu có thì rất là tốt vì đó là một khoản đầu tư rất là lớn. Về mặt tài chính, bố mẹ phải bỏ ra lượng tiền rất nhiều. Về mặt thời gian thì sinh viên cũng phải bỏ ra một khoảng thời gian rất dài để học. Trong khi có những thứ mình học ở đại học nhưng không phải tất cả đều áp dụng trong công việc sau này. Có nhiều thứ mình sẽ quên đi, gọi là đầu tư mà không sinh lợi, ở rất nhiều những môn học. Đó là một quyết định rất trọng yếu, cần phải cân nhắc kỹ. 

Học đại học để làm gì? | Kỳ 3: TS Trần Vinh Dự - Mỗi người cần xây dựng "cột phát sóng" khi học đại học - Ảnh 1.

Khách mời kỳ 3 của series "Học đại học để làm gì?" chia sẻ về giá trị của việc định vị hình ảnh cá nhân khi học ở giảng đường

Tốt nghiệp THPT, các bạn sẽ có một hình dung nhất định nào đó, có thể có sự hiểu biết sơ bộ về một vài dạng ngành nghề đặc thù nào đó và có thể bạn sẽ có một sự yêu thích ngành nghề nào đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là cái yêu thích đó là cái yêu thích chính xác.

Bởi vì sau này khi các bạn đi làm và có thể sau 1 năm, 2 năm chẳng hạn, các bạn có thể nhận ra đây thực sự là không phải là thứ mình hình dung. Câu chuyện thay đổi ngành nghề là một câu chuyện bình thường. Bản thân tôi cũng đã từng thay đổi nghề. Khi tôi đi học đại học rồi học thạc sĩ, học tiến sĩ thì tôi học về kinh tế nhưng bây giờ thì tôi đang làm tài chính, liên quan đến tài chính doanh nghiệp, là thứ mà hồi trước tôi không được đào tạo. 

Học đại học để làm gì? | Kỳ 3: TS Trần Vinh Dự - Xây dựng - Ảnh 2.

Vì thế tôi nghĩ các bạn cũng đừng hoang mang quá, đừng tạo áp lực cho mình quá ngay trong thời gian đầu là phải chọn đúng nghề ngay. Tại vì bản thân mình nhiều khi không hiểu mình. Chuyện đó cũng bình thường. Có chọn sai thì cũng không phải là sụp đổ mọi thứ mà mình nên rèn giũa những kỹ năng. Trong đó, tôi nghĩ một trong những kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng có thể tự học. Sau này dù là mình phải đi theo một ngành nghề mới, làm công việc mới và mình có thể chưa biết thì cũng có thể tự học, tự tìm hiểu.

Nếu có lời khuyên cho các bạn, tôi muốn các bạn nhớ đến chữ signalling - tạo cho mình một "cột phát sóng". Mình phải xây dựng cho mình những tố chất tốt mà người khác đánh giá cao. "Cột phát sóng" phải đủ mạnh để cho những người khác biết được. Có một từ khác là người Việt mình hay xài là "xây dựng thương hiệu cá nhân". Thật ra thì 4-5 năm đại học rất là dài và nên tập trung nghĩ đến câu chuyện đó để khi ra trường, thậm chí là trước khi ra trường thì người khác có thể biết đến các bạn, người ta muốn giúp các bạn, muốn đem cơ hội cho các bạn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.