Xưởng sản xuất đèn gỗ trang trí nội thất của anh Nguyễn Trọng Anh Tuấn nằm trong khu dân cư Cồn Hến (P.Vỹ Dạ, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế). Nhận thấy sản phẩm đèn trang trí nội thất bán trên thị trường thường mang nét công nghiệp, dù ở Huế hay bất cứ đâu cũng không làm nên nét khác biệt, Tuấn bắt tay mày mò sáng tạo mẫu mới với chất liệu gỗ, mang đường nét hoa văn truyền thống của trang trí nội thất xứ Huế.
Đèn Huế mang bản sắc Huế
Những mẫu đèn gỗ trang trí nội thất, từ đèn trần, đèn ngủ, đèn phòng khách... ra đời từ đó. Với đam mê, anh gầy dựng thương hiệu "Đèn Huế" mang bản sắc Huế. Với mong muốn sản phẩm có mặt trên thị trường không chỉ ở mảnh đất cố đô mà còn đưa hình ảnh xứ Huế đến bạn bè trong và ngoài nước, suốt nhiều năm qua, anh bỏ bao công sức để cho ra đời những mẫu đèn độc đáo.
"Chất liệu mộc (gỗ) ấm áp là loại vật liệu quen thuộc mà từ trước tới nay người Việt Nam luôn sử dụng trong mọi đồ vật thiết yếu ở trong gia đình, lấy cảm hứng từ những bộ đèn gỗ có họa tiết đặc trưng văn hóa quốc gia xuất hiện trong các sản phẩm văn hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc... Tại sao không có được một mẫu đèn gỗ với những họa tiết mang bản sắc của đất nước chúng ta? Từ suy nghĩ đó, mình đã tự mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu về mỹ thuật và trang trí của Việt Nam, của Huế... rồi lấy những họa tiết, hoa văn truyền thống đưa vào sản phẩm", anh Tuấn chia sẻ.
Mở xưởng mộc từ kinh nghiệm... làm điện
Nghề "mới" của anh Tuấn lại không dính líu gì đến chuyên ngành anh được đào tạo trước đó. Năm 2005, anh tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chuyên ngành điện. Sau 3 năm về TP.Huế dạy nghề ở trung tâm của Liên đoàn Lao động Thừa Thiên-Huế, anh tiếp tục theo học thạc sĩ chuyên ngành điện ở Trường ĐH Công nghiệp Thái Nguyên. Hiện tại anh vẫn nhận công trình điện dân dụng tư, và cũng từ các dự án điện, các công trình đô thị, anh tích cóp kiến thức, kinh nghiệm và vốn liếng để mở xưởng mộc nhỏ ngay tại nhà. Đến nay, xưởng sản xuất Đèn Huế của anh đã có 6 thợ mộc mỹ nghệ làm việc cùng với 3 cộng tác viên là các họa sĩ chuyên thiết kế mẫu...
"Có lúc sản phẩm chưa có đầu ra, hàng tồn đọng, nhưng phải duy trì sản xuất, trả lương cho thợ, thiết kế... chi phí lên đến 40 triệu đồng/tháng, mình phải lao ra nhận việc làm thêm để kiếm tiền nuôi xưởng. Nhưng rồi cũng có lúc gặp khách hàng lớn, bán được lô sản phẩm mang lại hàng trăm triệu đồng. Có thời gian một khách sạn ở Đà Nẵng đã đặt mua đến 80 cây đèn gỗ", anh kể.
Hiện tại, sản phẩm đèn gỗ trang trí của Nguyễn Trọng Anh Tuấn đã có hơn 200 mẫu khác nhau và hơn 100 mẫu đã được sản xuất để cung cấp ra thị trường. Những chiếc đèn gỗ trang trí bắt mắt với nhiều kiểu dáng độc đáo, chạm khắc tinh xảo với những hoa văn mang đặc trưng của Huế như rồng, phụng, cầu Trường Tiền, nón bài thơ... được cách điệu tạo nên những cây đèn vừa mang nét hiện đại vừa có vẻ cổ kính truyền thống.
Đèn gỗ trang trí của Anh Tuấn đã trở thành một sản phẩm mỹ nghệ và lưu niệm của Huế có mặt trong nhiều triển lãm thủ công mỹ nghệ tại các kỳ festival lớn ở TP.Huế.
Bình luận (0)