(TNO) Các học giả người Hoa nhận định việc Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông là “mang tính chiến lược lẫn chiến thuật”, nhưng sẽ đánh mất láng giềng.
>> Mỹ - Trung tranh cãi quyết liệt về ADIZ
>> Mỹ yêu cầu Trung Quốc kiềm chế lập ADIZ ở biển Đông
|
Nhà báo người Hồng Kông, Ching Cheong, của tờ Straits Times (Singapore) ngày 6.12 trích lời ông Chu Phương Ngân (Zhou Fangyin), Giám đốc Viện chiến lược Ngoại vi và Toàn cầu thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng ý tưởng về ADIZ được đưa ra tại hội nghị về ngoại giao của Bắc Kinh ngày 24 - 25.10 vừa qua.
Tại hội nghị này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra kế hoạch chiến lược dài hạn về đối ngoại, đó là hình thành nên một “Cộng đồng chung vận mệnh” (CSD) với Trung Quốc.
Theo kế hoạch đó, Trung Quốc muốn các quốc gia láng giềng phải nhìn nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước này, và thấy rằng “vận mệnh của nước họ gắn với Trung Quốc, chứ không phải với Mỹ, đơn giản là vì sự gần gũi về địa lý”.
Ông Tập được nói là đã chỉ đạo hội nghị rằng một trong những đường hướng ngoại giao trong 10 năm tới của Trung Quốc là phải làm cho ý tưởng CSD “mọc rễ ở các nước láng giềng”.
Chiến lược và chiến thuật
Tập hợp nhận định của các chuyên gia quân sự, nhà báo Ching Cheong viết rằng việc Trung Quốc đơn phương thông báo lập ra ADIZ ở biển Hoa Đông hôm 23.11 là động thái “mang tính chiến lược lẫn chiến thuật”.
Về mặt chiến thuật, ADIZ nhằm phá vỡ “chuỗi đảo phòng vệ số 1”, gồm một loạt quần đảo lớn dọc theo bờ biền phía đông Trung Quốc mà Mỹ và các đồng minh châu Á kết nối để kìm tỏa sự phát triển của hải quân Trung Quốc ra Thái Bình Dương.
Chuỗi đảo này bao gồm quần đảo Nhật Bản, Đài Loan và các đảo phía bắc Philippines.
Mỹ và Nhật Bản thường xuyên tiến hành tập trận chung ở eo biển Miyako, một trong số ít cửa ngõ quốc tế mà hải quân Trung Quốc có thể tiến vào Thái Bình Dương.
Vậy nên, việc Trung Quốc đơn phương lập ra ADIZ, bắt đầu từ bờ biển đại lục kéo rộng ra tới eo Miyako nằm về phía nam Nhật Bản, là tự cho mình quyền kiểm soát vùng này, nhằm có được cảnh báo sớm về những phi cơ “không thân thiện”.
Và chính điều này sẽ giúp các chiến hạm Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương dễ dàng, an toàn hơn.
|
Bởi, “theo các chuyên gia quân sự, trong chiến tranh hiện đại, một hàng không mẫu hạm sẽ chỉ là một con vịt lẹt đẹt nếu không có một vùng không phận bên trên được kiểm soát như vậy”, nhà báo Ching Cheong viết.
Về mặt chiến lược, hành động đơn phương tuyên bố ADIZ của Trung Quốc là nhằm “khẳng định vị thế một tay chơi lớn trong địa hạt an ninh ở khu vực, song hành với vị thế kinh tế đang lên của mình”.
Trên thực tế, về phương diện an ninh, Mỹ vẫn là siêu cường số 1 trong khu vực. Điều đó, hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ, nên không có ý định thách thức sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
“Trung Quốc muốn có vai trò riêng. Đó là có thể thu hút được sự chú ý của các nước láng giềng”. Và bằng việc tự lập ra ADIZ, “Trung Quốc muốn tiếng nói và quyền hạn về an ninh của mình được tôn trọng”, bài báo nhận định.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã phản đối mạnh mẽ ADIZ. Mỹ cũng tuyên bố “không thừa nhận” ADIZ.
Tuy nhiên, việc Mỹ ngày 29.11 khuyến cáo các hãng hàng không dân dụng của mình tuân thủ việc thông báo kế hoạch các chuyến bay và giữ liên lạc phía Trung Quốc khi đi qua ADIZ, như một thông lệ quốc tế, đã cho Trung Quốc một “cơ hội mở” để có thể nói rằng “Mỹ đã chấp nhận thẩm quyền của Trung Quốc ở vùng trời này”, bài báo nhận định.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Tokyo hôm 2 và 3.12, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng từ chối đề nghị của nước chủ nhà Nhật Bản là ra một tuyên bố chung gây áp lực đòi Trung Quốc hủy bỏ ADIZ.
Hành động từ chối của Mỹ được lý giải là vì nước này đứng trước thế khó của cái gọi là “áp dụng tiêu chuẩn kép”: lẽ nào đã chấp nhận ADIZ của Nhật Bản cách đây 44 năm, nay lại bác bỏ ADIZ của Trung Quốc?
Vì vậy, thông điệp rõ ràng của Mỹ, theo bài báo, là: “Nhật Bản nên thảo luận với Trung Quốc về vấn đề này”.
Tóm lại, “bằng cách tự lập ra ADIZ, Trung Quốc đã nhận được sự chấp nhận (gượng ép) bất thành văn của Mỹ về quyền kiểm soát vùng không phận vượt xa bờ biển của mình, và buộc Nhật Bản, Hàn Quốc phải xoay qua thảo luận với Trung Quốc trong vấn đề an ninh”, bài báo nhận định.
Tác dụng ngược?
Trung Quốc, theo các nhà quan sát, đã thành công với ý đồ lập ADIZ của mình, ít nhất là trong ngắn hạn.
Nhưng, khi cả thế giới và các nước láng giềng của nước này bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về hành động này cũng như khả năng về các hành động tương tự trong thời gian tới, thì “đây là một cách làm lạ lùng nếu nó nằm trong mục tiêu thiết lập một 'Cộng đồng chung vận mệnh' của chủ tịch Tập”, bài báo nhận định.
“ADIZ chắc chắn sẽ tạo ra một tác dụng ngược, bởi nó buộc các láng giềng Trung Quốc phải tìm đến mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ”, bài báo viết.
“Trong địa hạt an ninh, càng tỏ ra cứng rắn, Trung Quốc sẽ càng đẩy các láng giềng ra xa mình”, bài báo cảnh báo.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Trung Quốc sẽ hủy vùng nhận dạng phòng không mới trong vòng 44 năm
>> Vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc: Các chuyến bay Việt Nam vẫn khai thác bình thường
>> Hàn Quốc đòi Trung Quốc vẽ lại vùng nhận dạng phòng không
>> Trung Quốc sẽ lập thêm nhiều vùng nhận dạng phòng không mới
>> Vì sao Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông?
>> Úc triệu Đại sứ Trung Quốc vì vùng nhận dạng phòng không
>> Nhật, Trung cùng triệu đại sứ để phản đối 'vùng nhận dạng phòng không
Bình luận (0)