Học giả Mỹ bẻ gãy luận điệu vu khống của Trung Quốc

01/06/2016 09:00 GMT+7

Luận điệu đổ lỗi Mỹ gây căng thẳng ở Biển Đông đã bị hai học giả tại Đại học Hải chiến Mỹ (USNWC) chỉ rõ là vu khống và “vừa đánh trống vừa la làng”.

Người “kiếm chuyện” trên các diễn đàn báo chí ở Đông Nam Á, một lần nữa, chính là Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, ông Từ Bộ (Xu Bu).
Ngày 19.5, ông Từ có một bài viết dài trên tờ The Straits Times (Singapore) cáo buộc Mỹ là “lực lượng dẫn dắt” đứng sau những căng thẳng trong khu vực thời gian gần đây. Ông Từ cho rằng chính chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào tháng 2.2009 đã khiến Biển Đông “dần trở thành một điểm nóng khó chịu”. Ông cáo buộc các quan chức cấp cao Mỹ đã “khuyến khích” các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, “thay đổi chính sách” mềm mỏng trước Bắc Kinh trong vấn đề này.
Cụ thể, theo ông Từ, ngay sau chuyến thăm của bà Clinton, Manila ban hành đạo luật về đường cơ sở mới vào ngày 10.3.2009 nhằm “tuyên bố chủ quyền đối với đảo Hoàng Nham (tức bãi cạn Scarborough) và một số đảo ở Trường Sa”, trong khi Hà Nội hoàn thành hồ sơ thềm lục địa và nộp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc vào tháng 5.2009.
Nhưng Giáo sư James Kraska và đại tá Raul Pedrozo của USNWC ngày 31.5 đã chỉ ra sự bịa đặt trong lập luận trên của ông Từ. “Thực tế, Đạo luật Cộng hòa 9522 là nhằm điều chỉnh hệ thống đường cơ sở của quần đảo Philippines phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển”, hai chuyên gia này viết, đồng thời chỉ ra chủ quyền lịch sử của Philippines ở bãi cạn Scarborough từ đầu thế kỷ 19.
Ve vãn Philippines
Trang GMA News Online của Philippines hôm 31.5 cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đêm 30.5 đã gửi điện chúc mừng Tổng thống tân cử Philippines Rodrigo Duterte sau khi nước này công bố kết quả cuộc bầu cử ngày 9.5. Lời lẽ của ông Tập, theo một nhà quan sát không muốn nêu tên nói với Thanh Niên, “nghe như thể Bắc Kinh rất biết điều với láng giềng”: “Sự phát triển thân thiện, ổn định và lành mạnh trong quan hệ Trung - Phi là phù hợp với các lợi ích căn bản của hai nước, hai dân tộc”, và “Tôi hy vọng hai bên có thể đẩy mối quan hệ này trở lại đường ray lành mạnh”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vừa cho hay Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew sẽ đến Bắc Kinh dự cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 8 từ ngày 5 - 7.6.
Tương tự, bài viết tựa đề Liệu Trung Quốc có chịu hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông? của Giáo sư Kraska và đại tá Pedrozo trên tờ The Strait Times khẳng định: “Việt Nam nộp hồ sơ thềm lục địa của mình vào ngày 5 - 6.5.2009 là nhằm kịp hạn chót 13.5.2009 do Liên Hiệp Quốc ấn định”. Hai ông cũng chỉ ra rằng: “Chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa có căn cứ lịch sử và luật pháp vững chắc”.
Nhưng chủ quyền này đã bị xâm lược bởi Trung Quốc và Đài Loan. “Việt Nam đã thực thi một cách hòa bình, hữu hiệu và liên tục công tác hành chính trên quần đảo Hoàng Sa từ đầu thế kỷ 18 cho tới năm 1974, khi lực lượng Việt Nam bị tấn công đẫm máu chớp nhoáng bởi Trung Quốc - một hành động vi phạm trắng trợn điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, hai ông phân tích.
“Vừa đánh trống, vừa la làng”
Bài viết của hai học giả của USNWC cũng chỉ ra chính Trung Quốc mới là bên phải chịu trách nhiệm cho sự căng thẳng trong khu vực: “Cái gai trong quan hệ giữa các quốc gia ASEAN với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chỉ nổi lên từ khi Bắc Kinh chấm dứt giai đoạn “trỗi dậy hòa bình” và chuyển sang cưỡng bức, ăn hiếp các nước láng giềng”.
Hai ông chỉ ra hàng loạt hành động cậy mạnh của Bắc Kinh, từ việc đe dọa và cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Philippines và Việt Nam năm 2011 - 2012; quấy rối và bắt bớ ngư dân hai quốc gia Đông Nam Á ngay chính trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước họ từ năm 2014; chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012; đưa giàn khoan Hải Dương - 981 thăm dò dầu khí trong EEZ của Việt Nam năm 2014 và 2016; bồi đắp và xây đảo nhân tạo diện rộng ở Trường Sa từ năm 2013; xây lắp thiết bị quân sự và đưa vũ khí ra các đảo tranh chấp từ năm 2015...
Chưa hết, Trung Quốc cũng liên tục quấy rối máy bay do thám, tàu chiến, tàu viễn thám của Mỹ, Ấn Độ và Úc; đưa máy bay, tàu chiến tung hoành trong vùng EEZ của các nước láng giềng. “Trung Quốc hành động như vậy bất chấp trách nhiệm phải tuân thủ Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) mà họ ký với ASEAN năm 2002”, hai học giả chỉ ra. “Ngày nào Trung Quốc chưa hành động theo luật pháp quốc tế và kiềm chế không quấy rối nước mạnh lẫn nước yếu thì ngày đó họ chưa thể nhận được sự tôn trọng của các quốc gia luôn mong muốn hòa bình và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, bài viết kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.