Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam

Minh Trí
(thực hiện)
24/07/2024 06:33 GMT+7

Nhiều học giả, chuyên gia các vấn đề quốc tế đã chia sẻ với Thanh Niên về vị thế Việt Nam trong thời gian Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đất nước.

Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sang thăm chính thức VN tháng 5.2022

TTXVN

Di sản được thế giới nhìn nhận tích cực

Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhớ đến vì cam kết với sự phát triển và thịnh vượng của VN, vì duy trì và phát triển chính sách bốn không của VN và vì cân bằng quan hệ với các nước lớn.

Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhìn nhận tích cực ở VN và khu vực khi VN khéo léo cân bằng quan hệ với các nước trong khi không đi chệch khỏi cam kết lâu dài của VN đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua chính sách không liên kết với bất kỳ quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào để chống lại quốc gia khác.

GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)

Các lợi ích kinh tế đã được vun đắp mạnh mẽ

Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam- Ảnh 3.

Trong vai trò lãnh đạo VN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các chính sách ngoại giao mang bản sắc "Cây tre VN". Những bất đồng hay căng thẳng, ví dụ tại Biển Đông, đã được giải quyết bằng cách đa phương hóa quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước vì hòa bình và ổn định chung, đồng thời đẩy mạnh kênh ngoại giao tích cực với Trung Quốc.

Các lợi ích kinh tế đã được vun đắp mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi VN tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - sau này là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các nước lớn, VN cũng đã thu hút đầu tư hiệu quả các công ty chế tạo chất bán dẫn và thiết bị điện tử khác.

GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản)

Sáng suốt trong các vấn đề quốc tế

Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam- Ảnh 4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tầm nhìn, đã hành động vì lợi ích chiến lược tốt nhất của đất nước mình.

Sự sáng suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các vấn đề quốc tế có thể được hình dung rất rõ qua lời chia buồn của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Đó là: "Nhờ tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến thăm cấp nhà nước năm 2023 của tôi tới Hà Nội, VN và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, cấp độ quan hệ đối tác cao nhất trong hệ thống VN. Người dân VN và Mỹ cũng như người dân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - được hưởng an ninh và cơ hội lớn hơn ngày nay nhờ tình hữu nghị giữa hai nước. Đó là nhờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!".

Ông Dov S.Zakheim (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyên gia của Cơ quan Nghiên cứu CAN)

Tự chủ chiến lược, đạt lợi ích kinh tế

Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam- Ảnh 5.

Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, VN đã đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ bằng cách kết nối với các thị trường khu vực và toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Khi phát triển kinh tế tiến triển, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng trong nước. Chiến dịch này là cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội hơn nữa ở VN. VN cũng triển khai hiệu quả việc xây dựng quan hệ chiến lược với các cường quốc thông qua ngoại giao mang bản sắc "cây tre VN", không chỉ với Mỹ và Trung Quốc mà còn với Ấn Độ và Nga. Ngoại giao đa hướng này đã góp phần củng cố mối quan hệ của VN với các quốc gia châu Á. Ví dụ, quan hệ VN - Nhật Bản đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2014 và đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.

VN đã duy trì thành công quyền tự chủ chiến lược và đạt được lợi ích kinh tế trong khi thực thi tốt chiến lược quốc gia.

GS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công, Trường Khoa học xã hội, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore)

Lãnh đạo hiệu quả việc đa dạng hóa quan hệ

Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam- Ảnh 6.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo hiệu quả việc đa dạng hóa quan hệ đối tác bên ngoài và nâng cao vai trò của VN trên thế giới. Việc nâng cao chính thức các quan hệ đối tác của VN với Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Mỹ đều được thực hiện dưới giai đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo.

Trong trường hợp quan hệ VN - Mỹ, không thể không nói đến chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Washington D.C vào năm 2015. Đó là lần đầu tiên một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN thăm chính thức Mỹ. Một sự kiện quan trọng khác trong quan hệ hai nước là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đón Tổng thống Mỹ Joe Biden vào năm ngoái để nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ)

Duy trì quan hệ tốt đẹp với nhiều nước

Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam- Ảnh 7.

Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, VN đã phải vượt qua những bất ổn của chính trị toàn cầu và khu vực. Trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, VN không chỉ cân bằng quan hệ với các nước lớn mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế.

VN và nhiều nước sẽ nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một kiến trúc sư của các chính sách ngoại giao mang bản sắc "cây tre VN" để duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Mỹ, Nga cùng nhiều quốc gia và tổ chức khác trong thời kỳ thế giới trải qua bất ổn địa chính trị mạnh mẽ. Mới nhất trong quan hệ Việt - Nga là cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6 vừa qua để củng cố quan hệ song phương hai nước.

PGS Ekaterina Koldunova (Khoa Nghiên cứu châu Á - châu Phi, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow - MGIMO, Nga)

Chính sách đối ngoại hòa bình

Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam- Ảnh 8.

Chính sách đối ngoại của VN được gọi bằng nhiều tên gọi: đa dạng hóa, đa phương hóa và bản sắc "cây tre VN". Một từ khác để chỉ chính sách này là chính sách đối ngoại hòa bình. Trong thời kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, VN đã tiếp tục phát triển và thể hiện kết quả của chính sách này.

Số lượng các quan hệ đối tác quốc tế của VN đã được mở rộng, bao gồm các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Úc. Đặc biệt, quan hệ với Mỹ là tốt nhất từ trước đến nay. Đồng thời, VN đã thúc đẩy hiệu quả mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và cùng nhau ngăn chặn các tranh chấp khu vực leo thang.

Với cộng đồng quốc tế, VN có cách tiếp cận tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, mang lại hy vọng giải quyết các cuộc xung đột toàn cầu một cách hòa bình.

Trong bối cảnh nguy cơ xung đột có thể xảy ra trên thế giới cùng nhiều thách thức, tôi tin tưởng quan hệ đối ngoại của VN sẽ thích ứng với những thách thức này trong giai đoạn tiếp theo trong khi vẫn tiếp tục thúc đẩy các nguyên tắc ngoại giao vì hòa bình.

TS Andrew Wells-Dang (chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu về hòa bình, Mỹ)

Nhiều thành tựu ngoại giao quan trọng

Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam- Ảnh 9.

Quá trình lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thúc đẩy VN đạt nhiều thành tựu ngoại giao quan trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện. Thời gian qua, quan hệ kinh tế và an ninh Việt - Mỹ được thắt chặt hơn. Đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là Tổng Bí thư duy nhất của Đảng Cộng sản VN thăm Nhà Trắng.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nhiều căng thẳng ở khu vực liên quan VN đã được xoa dịu đáng kể. Với chính sách đối ngoại mang bản sắc "cây tre VN", VN đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó các căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, EU, Anh và các nước khác.

Nổi bật, VN cũng đã đẩy mạnh các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). VN cũng đạt nhiều hiệp định thương mại song phương với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Israel…

Chuyên gia Murray Hiebert (chương trình Đông Nam Á - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), chuyên gia tại Bower Asia Group, Mỹ)

Nhiều dấu ấn nổi bật

Học giả quốc tế nói về vị thế Việt Nam- Ảnh 10.

Được lãnh đạo bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, VN đã làm sâu sắc thêm quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ cùng nhiều cường quốc khác. Kèm theo đó là nhiều dấu ấn nổi bật.

Một dấu ấn nổi bật là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhà Trắng vào năm 2015 và đã hội đàm với ông Barack Obama - Tổng thống Mỹ khi đó. Tổng thống Obama đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN.

Hay một dấu ấn khác là Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã chọn VN làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước vào tháng 2.2019. VN đã nhận được nhiều lời khen ngợi trên trường quốc tế về việc tổ chức suôn sẻ hội nghị thượng đỉnh này.

PGS-TS Alfred Gerstl (Khoa Nghiên cứu Đông Á - Đại học Vienna (Áo), Chủ tịch Hội Hữu nghị Áo - VN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.