Sau khi liên tiếp đăng các bài kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết, phê phán “Đường lưỡi bò” sẽ dẫn vào ngõ cụt, kêu gọi phân chia biên giới biển là hàng đầu trong xử lý tranh chấp…, học giả Trung Quốc tiếp tục kêu gọi các nước ở khu vực Biển Đông cùng tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế ngày 12.7.
Trong bài viết ngày 5.8 đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội Weibo, ông đánh giá rằng cuộc họp giữa Trung Quốc với Ngoại trưởng các nước ASEAN vào ngày 25.7 qua tại Vientiane (Lào) là một tín hiệu đáng hoan nghênh.
“Mỗi bên cam kết tự kiềm chế, không sử dụng những hành động tranh cãi phức tạp hóa và mở rộng, gây tác hại tới hòa bình và ổn định khu vực, bao gồm các hành động trên các đảo, đá ngầm, bãi cát… không có người ở, hoặc bất kỳ hành động nào mang tính chất xây dựng nơi ở; đồng thời phải dùng những hình thức mang tính xây dựng để xử lý những tranh chấp lẫn nhau. Điều này không còn nghi ngờ gì nữa, đây là tín hiệu quan trọng đầu tiên ngay sau khi Tòa trọng tài quốc tế tuyên phán quyết về Biển Đông và sau khi các nước liên quan đến Biển Đông vẫn liên tiếp đối đầu”, ông Lý Lệnh Hoa nhận định.
Học giả Lý Lệnh Hoa cũng cho rằng những tranh chấp về Biển Đông đã kéo dài suốt mấy chục năm và xu thế phát triển của các bên có liên quan là chỉ nên bình tĩnh lại. “Việc xử lý tranh chấp cần căn cứ vào nguyên tắc luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), giúp Biển Đông thực sự trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Mỗi bên đều cần cam kết tự kiềm chế, tránh làm phức tạp hóa và gây tranh cãi mở rộng. Đó là ý nguyện của người dân”, ông nói.
Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh “Môi trường chính trị của Biển Đông nhất thiết phải được ổn định, nguồn tài nguyên biển cần được bảo vệ. Kinh tế các nước khu vực Biển Đông cần phát triển và thịnh vượng”.
|
Học giả Lý Lệnh Hoa còn châm biếm nhắc nhở: “Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Trung Quốc là một nước lớn ở Biển Đông, vì vậy mọi hành động dù nhỏ nhất cũng cần cực kỳ cẩn trọng. Dù sao Trung Quốc cũng đã ký kết UNCLOS năm 1982 rồi thì nhất thiết phải tuân thủ nó, cần phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo quy ước trong đó. Các quan chức Trung Quốc và các học giả - chuyên giả Trung Quốc cần phải tỉnh táo ý thức được rằng, đường biên giới lịch sử của Biển Đông đã vi phạm tinh thần và quy định trong UNCLOS. Đó là một đường biên giới ảo, không phù hợp với nguyên tắc quốc tế rằng đường biên giới chính thức giữa thềm lục địa và biển phải là đường biên giới có thực”.
Ông Lý Lệnh Hoa lại một lần nữa khẳng định rằng, Tòa trọng tài quốc tế tại The Hague (Hà Lan) vào ngày 12.7 đưa phán quyết bác bỏ “đường 9 đoạn” là một việc làm hợp lý. Ông cũng cho rằng nếu nghiêm túc suy nghĩ sẽ thấy được kết quả như sau: những quy định trong UNCLOS và nội dung phán quyết của Toà trọng tài quốc tế là thống nhất. “Thậm chí phán quyết trên của Toà trọng tài quốc tế còn chuẩn xác hơn, chặt chẽ và cụ thể hơn. Nó có tác dụng thúc đẩy mọi xử lý và quy phạm chuẩn về ranh giới biển đối với mọi quốc gia ven biển đang có khúc mắc về xử lý, tranh chấp mâu thuẫn trên biển”, ông nói.
Học giả Lý Lệnh Hoa cho rằng: “Tóm lại, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế không phải là một tờ giấy lộn. Các nước dọc Biển Đông, bao gồm cả Trung Quốc, đều cần phải tôn trọng nó, không được phủ nhận, từ chối phán quyết này”.
Tuy nhiên những bài viết của ông Lý Lệnh Hoa thường vấp phải những chỉ trích dữ dội của cư dân mạng Trung Quốc. Phần lớn đều gọi ông là Hán gian, là tay sai cho Mỹ.
Bất chấp những phản đối dữ dội, học giả Lý Lệnh Hoa vẫn kiên trì bảo vệ công lý và chính kiến. Ông còn viết nhiều bài viết phê phán các học giả Trung Quốc khác đã đưa ra những nhận xét sai lầm về vấn đề Biển Đông.
|
Lý Lệnh Hoa đã kịch liệt phê phán bài viết “Tập Cận Bình đã lưu danh lịch sử” tác giả Lý Dương đăng trên mạng Quan sát (cwzg.cn) ngày 3.8, nội dung đề cập tới vấn đề trọng tài quốc tế và chia ranh giới Biển Đông.
Học giả Lý Lệnh Hoa thẳng thắn cho biết, “Năm 1982, chính phủ Trung Quốc ký Công ước LHQ về Luật Biển là hoàn toàn chính xác. Điều 74 và 83 trong Công ước này quy định những nước đã ký Công ước cần tiến hành phân chia ranh giới biển. Vì vậy việc phân chia ranh giới biển là bắt buộc, và không thể né tránh, dù ở Biển Đông hay ở Biển Hoa Đông. Bài viết của tác giả Lý Dương không hề coi trọng việc cần chia ranh giới biển Trung Quốc mà còn thiếu hụt kiến thức và lý giải toàn diện về tinh thần và từng điều khoản trong Công ước. Luận điểm của ông ta trong bài viết là hoàn toàn sai. Tôi cho rằng Lý Dương thiếu hụt thế giới quan chuẩn xác, đồng thời cũng hoàn toàn thiếu cái nhìn chính xác về luật pháp quốc tế, nhất là đối với UNCLOS”.
Hiện học giả Lý Lệnh Hoa vẫn tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu các bài viết liên quan về vấn đề tranh chấp biển Đông và bày tỏ sự không khoan nhượng về tư duy, dám mạnh mẽ kiên trì chính kiến của mình.
Bình luận (0)