Cơ hội trong ngành hiện tại
Đam mê nghệ thuật nhưng vẫn cố gắng hoàn thành và sắp tốt nghiệp ngành du lịch, Thang Châu Phong (sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng) học song song lớp diễn xuất vào buổi tối.
Phong chia sẻ: "Hai ngành nghề gần như không liên quan với nhau nhưng ngành du lịch lại rèn những kỹ năng giúp ích cho nghệ thuật sân khấu như giao tiếp lưu loát, chất giọng hay, rành mạch".
Đang làm công việc liên quan đến marketing và định hướng theo thiết kế, Ngọc Lan (sinh viên năm cuối, ngành quan hệ công chúng, một trường ĐH ngoài công lập) cho biết, ngành hiện tại có các môn liên quan đến truyền thông như viết, thiết kế, quay chụp… nên đã có những kỹ năng cơ bản khi bắt đầu ngành mới.
Mong muốn làm biên tập viên, xây dựng nội dung, Thanh Trúc (sinh viên năm 3, ngành quản lý giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã học chứng chỉ nghiệp vụ báo chí trong 2 tháng rưỡi và hoàn thành vào năm 2 đại học.
Trúc cho hay, vì học trực tuyến vào cuối tuần nên có thể cân bằng thời gian với các bài tập khác cho ngành chính đang theo học. Nữ sinh viên cũng tích cực tham gia các hoạt động văn thể mỹ và học thuật, đặc biệt là các cuộc thi viết, để cải thiện kỹ năng diễn đạt.
Thu Ân (sinh viên năm 4, ngành giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn) rất đam mê với ngành thiết kế đồ họa nên đã vận dụng những môn học liên quan trong chương trình để thiết kế trò chơi, hình ảnh đưa vào bài giảng thu hút học sinh. "Lớp vẽ cũng là môn học bắt buộc của chương trình nên tôi được học về cách đánh khối, chia bố cục, những kiến thức hữu ích ngay trong ngành hiện tại để theo đuổi đam mê thiết kế", Ân cho hay.
Dù thấy không còn phù hợp nhưng Minh Thi (ngành quản trị nhân lực, Học viện hàng không Việt Nam) vẫn tiếp tục theo ngành và phát triển bản thân ở mặt ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung để rẽ hướng sang du lịch và dự định học lấy thẻ hướng dẫn viên.
Học chuyên ngành gần
Theo tiến sĩ Phan Thị Thanh Hương, Phó trưởng khoa Giáo dục, Trường ĐH Sài Gòn, học chuyên ngành gần là tình trạng khá phổ biến ở sinh viên hiện nay.
Điều này đồng nghĩa sinh viên rẽ hướng cần nỗ lực để nâng cao sức cạnh tranh so với sinh viên đúng chuyên ngành.
"Xu hướng chọn nhân lực lao động trên thị trường hiện nay khá rộng mở, quan trọng là sinh viên có mở tư duy, kiến thức để mạnh dạn bước vào thị trường, khẳng định bản thân. Nếu các em đủ năng lực thì việc trái ngành hay chọn chuyên ngành gần để làm nghề mơ ước vẫn sẽ có những công ty sẵn sàng tuyển dụng", cô Hương chia sẻ.
Về giải pháp cho sinh viên học không đúng ngành, cô Hương cho biết, các em có thể chọn thi và học lại ngành đúng đam mê hoặc "đi đường vòng".
"Khi học lại, các em phải xác định rõ những nguồn lực của bản thân như điều kiện kinh tế, thời gian, sức khỏe, nên có kế hoạch cụ thể, cải thiện khối kiến thức thi đầu vào. Tuy nhiên, hãy cân nhắc đến việc học chuyên ngành gần", cô Hương khuyên.
Theo tiến sĩ Hương, đến với công việc đam mê khi trái ngành là quá trình dài, sinh viên cần chuẩn bị thái độ học tập nghiêm túc để hoàn thành hiệu quả.
"Nếu chưa đủ nguồn lực thì sinh viên hãy làm tốt những gì đang có, nắm bắt và tìm hiểu thật kỹ các cơ hội nghề nghiệp của ngành học hiện tại. Các em cũng nên đánh giá lại chính xác bản thân đang có năng lực, sở thích ra sao để xem xét sự phù hợp với nghề", tiến sĩ Hương cho hay.
Có trách nhiệm với lựa chọn
Lựa chọn thi lại để vào ngành mong muốn là giải pháp của nhiều sinh viên bày tỏ trên các diễn đàn mạng xã hội.
Dù được mọi người xung quanh khuyên nên cố gắng hoàn thành ngành học hiện tại và lấy bằng nhưng B.M (sinh viên năm 2, tham gia trên các diễn đàn) cho hay vẫn lựa chọn ôn thi lại vì cảm thấy cần đầu tư xứng đáng cho tương lai. Tuy nhiên, sinh viên này cũng lo lắng về việc học trễ 2 năm, khó thể cạnh tranh với các bạn cùng tuổi đã có kinh nghiệm.
Tạm dừng ngành hiện tại ít năm để đầu tư nghiêm túc cho ngành mới, Ngọc Lan cho hay dù mất nhiều thời gian để bắt đầu lại nhưng phải làm công việc mình không thích sẽ càng áp lực hơn.
Còn theo Thu Ân, điều quan trọng nhất trong hành trình này là phải luôn chịu trách nhiệm cho lựa chọn để nuôi dưỡng động lực. "Trước hết tôi đã mất 4 năm để tập trung hoàn thành bằng sư phạm và ít nhất là 2 năm nữa để có được bằng thiết kế. Tuy nhiên, tôi sẽ có ít nhất hai bằng cấp và dự định tích hợp hai bằng sư phạm - thiết kế, học lên cao để trở thành giáo viên dạy thiết kế", Ân nói.
Bình luận (0)