Review ngành học trên TikTok: 'Bí kíp' xem nhưng không hoang mang

29/11/2023 09:05 GMT+7

Không ít học sinh xem review (đánh giá) ngành học trên nền tảng TikTok rồi trở nên mông lung, thậm chí tin tưởng những đánh giá chủ quan.

"Hoài nghi nhân sinh"

Khi nội dung review dễ lên xu hướng trên TikTok, ngành học trở thành "sản phẩm" được đánh giá ồ ạt bởi người không chuyên. Chẳng hạn, phát ngôn vừa qua của TikToker về "bằng đại học vô dụng" đã gây tranh cãi khắp các diễn đàn, mạng xã hội.

Trước những video như vậy, một số sinh viên như Trần Vĩnh Khang (Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM) có thể phản biện luận điểm phiến diện, giữ lập trường và theo đuổi ngành học yêu thích. Trong khi đó, không ít trường hợp trở nên mông lung, thậm chí tin vào những đánh giá chủ quan.

Đó là câu chuyện về người bạn cũ của Khang. Người bạn này tin tưởng TikToker để chọn ngành học, sau một thời gian thì kiệt quệ tinh thần vì chương trình học khác xa với nhu cầu và khả năng thực tế, cuối cùng phải chuyển ngành.

Còn K.L (học sinh lớp 10, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM), cho biết một người quen của L. nghe review không tốt về khối ngành nghệ thuật nên quyết định chuyển sang ngành kế toán dù không thực sự yêu thích. Kết quả là đến nay vẫn "loay hoay".

Review ngành học trên TikTok: Xem thôi đừng tin quá! - Ảnh 1.

Học sinh cuối cấp nên lựa chọn nguồn uy tín để tham khảo thông tin về ngành

FREEPIK

Thấy "hoài nghi nhân sinh" là cảm nhận của Nguyễn Như Thịnh (học sinh lớp 10, Trường THPT Ngã Năm, Sóc Trăng) trước các thông tin giật gân như "ngành học vô dụng", "ngành nên/không nên học"...

Hầu hết các video review ngành học hiện nay chưa đảm bảo yêu cầu

Là chủ kênh TikTok "Hồng Sinh Viên" chuyên về giáo dục, bao gồm review trường và ngành học, Dương Thị Hồng (23 tuổi, hiện sống tại Hà Nội) nhận thấy những lời đánh giá tiêu cực trong các video có thể nhằm "câu view" hoặc xuất phát từ trải nghiệm cá nhân.

Còn chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên thì cho rằng dù vì lý do gì, TikToker không nên đặt các phát ngôn trong bối cảnh tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT mà thiếu lời giải thích thấu đáo.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH An Giang, ĐH Quốc gia TP.HCM, nêu 3 yếu tố làm nên một video review ngành học đáng tin cậy: thông tin chính xác, nhận định khách quan và nguồn tham khảo từ các tổ chức, cá nhân uy tín. Tuy nhiên, hầu hết video hiện nay chưa đảm bảo các yêu cầu ấy.

Review ngành học trên TikTok: Xem thôi đừng tin quá! - Ảnh 2.

Không khó để tìm kiếm những video review ngành học trên TikTok

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Cách "tăng đề kháng" để không hoang mang

Theo các chuyên gia và giảng viên, ngoài trách nhiệm kiểm soát nội dung do chính mình thực hiện của TikToker, bản thân học sinh là người xem cần hình thành cách "tăng đề kháng" để không hoang mang.

"Việc chuẩn bị tinh thần khi tiếp nhận lời đánh giá của những người không chuyên là rất quan trọng. Học sinh chỉ nên tiếp cận ở góc độ xem để biết, không tin hoàn toàn hay để lời đánh giá tác động đến quyết định cuối cùng", thạc sĩ Loan nói.

Dù cố gắng truyền tải những đánh giá công tâm, TikToker Dương Thị Hồng cũng thẳng thắn đề xuất học sinh đừng chỉ nghe theo một người trên TikTok mà hãy chọn lọc thông tin và tham khảo nhiều nguồn uy tín.

Review ngành học trên TikTok: Xem thôi đừng tin quá! - Ảnh 3.

Những video với tiêu đề giật gân thường thu hút sự chú ý của học sinh

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Vì thế, sau khi xem review, Trần Ngọc Huyền (học sinh lớp 10, Trường THPT Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM) sẽ hỏi ý kiến mọi người xung quanh, thay vì vội tin tưởng và từ bỏ ý định theo đuổi ngành học nếu đó là đánh giá tiêu cực.

"Mặt khác, học sinh có quyền lựa chọn bất cứ ngành nào mình đam mê. Làm đúng ngành hoặc trái ngành khi ra trường, kiến thức được học đều giúp ích cho công việc vì các ngành có sự gắn kết với nhau", Thùy Diễm, cựu sinh viên Trường ĐH Văn Lang, đúc kết.

Ngoài ra, chuyên gia Khánh Nguyên lưu ý, đào tạo đại học nhằm nâng cao tư duy và năng lực chuyên môn để sinh viên sử dụng cho một hoặc một số nghề nghiệp. Tùy từng trường và ngành đào tạo, chương trình học sẽ mang tính khai phóng (học rộng) hoặc gắn với đào tạo nghề (học chuyên sâu).

Hiểu mình, hiểu nghề

Bà Nguyễn Thảo Chi, Trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, gợi ý học sinh lựa chọn ngành học gồm các yếu tố: xác định năng lực, tính cách, định hướng, đam mê; thu thập thông tin từ các nguồn tin cậy (chuyên gia tư vấn, nhà trường, gia đình, người đi trước, các kênh thông tin chính thống); tỉnh táo và độc lập đưa ra quyết định; cuối cùng là chuẩn bị phương án dự phòng.

Về một số kênh chính thống có thể hỗ trợ học sinh tìm hiểu thông tin, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính-Marketing, đề cập cổng thông tin điện tử, fanpage trường ĐH; trung tâm tuyển sinh, trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên ở mỗi trường; chương trình tư vấn tuyển sinh trên nền tảng số…

Bà Phụng cho biết học sinh nên tận dụng các kênh này để xây dựng nền tảng về tổng quan ngành, tố chất phù hợp với ngành, chương trình đào tạo… Riêng trung tâm quan hệ doanh nghiệp các trường có thể cung cấp dữ liệu về cơ hội việc làm, nhu cầu thị trường đối với từng ngành học.

Ngoài ra, các trường cũng tăng cường đồng hành cùng học sinh THPT dưới nhiều hình thức trải nghiệm khác nhau. Chẳng hạn, Trường ĐH Tài chính-Marketing tổ chức buổi tham quan cơ sở vật chất của trường và tọa đàm liên quan đến ngành nghề mà học sinh quan tâm.

Trong khi đó, Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TP.HCM) tiếp cận và hỗ trợ học sinh bằng hoạt động "Một ngày là sinh viên Trường ĐH An Giang"...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.