Vậy ngay từ bây giờ lứa học sinh (HS) lớp 10 (2022 - 2023) đang học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần chuẩn bị gì để đáp ứng yêu cầu thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu môn lịch sử là một trong 4 môn bắt buộc? Nói cách khác, HS phải học tập như thế nào để môn lịch sử đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp 2025?
Là giáo viên dạy lịch sử, xin được chia sẻ cùng các em một số gợi ý về phương pháp học sử.
Hiện nay sách giáo khoa lịch sử lớp 10 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều ưu điểm, kiến thức được chọn lọc trọng tâm cơ bản phù hợp thực tế, trình bày dễ hiểu, nội dung kênh hình khá đầy đủ. Vì vậy HS dễ sử dụng và có thể tự học được. Với đặc thù của bộ môn lịch sử là tái hiện, dựng lại quá khứ theo dòng thời gian năm tháng, nên HS phải nắm vững sự kiện về ngày tháng năm, bối cảnh, ý nghĩa, tính chất… Muốn vậy các em có thể học theo các cách sau.
Học theo sơ đồ tư duy là một trong những phương pháp có hiệu quả hiện nay đối với môn lịch sử. Để có một sơ đồ đúng, HS phải tập trung theo dõi thầy cô giảng để nắm kiến thức, việc nghe giảng, tương tác với thầy cô quan trọng hơn việc các em cặm cụi ghi chép bài. Khi kết thúc tiết học, bài học, HS cần phải tóm lược lại kiến thức bằng sơ đồ với nhiều dạng khác nhau tùy theo nội dung bài học. Cần xác định đâu là ý chính, ý nào là cơ bản, ý nào là bổ trợ…, nếu được nên tô màu sắc vào sơ đồ để tạo dấu ấn dễ học dễ nhớ hơn, khó quên.
Cần phân kỳ lịch sử, phân chia từng giai đoạn để học là việc phải nên làm. Điều này sẽ giúp HS không bị nhầm lẫn về mặt thời gian của từng sự kiện vì có quá nhiều sự kiện. Trong từng giai đoạn "mốc" hãy xác định sự kiện nào là cơ bản có ý nghĩa lịch sử cần phải ghi nhớ.
Nắm vững hoàn cảnh lịch sử (bối cảnh lịch sử). Học lịch sử, HS phải nắm chắc bản chất, ý nghĩa sự kiện như nói trên nhưng để khắc sâu sự kiện các em cần luôn đặt ra các câu hỏi và tự trả lời, sự kiện đó xảy ra trong hoàn cảnh lịch sử nào? Không gian và thời gian diễn ra sự kiện đó? Nguyên nhân vì sao đưa đến?... Học như vậy các em không bao giờ quên và nhầm lẫn kiến thức được.
Tiếp cận các nguồn tư liệu, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa. Để có kiến thức phong phú bổ trợ cho việc học sử, các em cần đọc thêm các nguồn sử liệu khác, tham quan di tích lịch sử, học ở bảo tàng, nghe chứng nhân kể chuyện lịch sử, xem phim lịch sử… Những điều này cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học sử trong nhà trường.
Lịch sử vẫn là lịch sử, với phương pháp học khoa học hợp lý cùng với niềm yêu thích thì việc học lịch sử sẽ trở nên dễ dàng và đạt kết quả tốt là tất yếu.
Bình luận (0)