Học môi trường trên đồng ruộng

25/06/2012 09:17 GMT+7

Cơn mưa Huế giữa mùa hè không ngăn được bước chân của các bạn học sinh tiểu học hai làng Lương Quán và Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, Huế, ra ruộng với các nhà nông vào hai ngày cuối tuần qua.

Buổi học trên ruộng này đã được truyền trực tiếp cho một số bạn nhỏ ở TP.HCM để cùng theo dõi, thảo luận...

Đó là cách mà chương trình Greenknot (tạm dịch “Những nút xanh còn lại”) của BAJ - Tổ chức cầu Nhật Bản - châu Á thực hiện, vừa để giáo dục các em nhỏ kiến thức về ruộng đồng, vừa nhằm kết nối nhà nông và những sản phẩm sạch của họ với người đô thị, chia sẻ những câu chuyện phát triển và bảo tồn.

Học môi trường trên đồng ruộng 
Các bạn nhỏ đội mưa học cấy mạ và bắt ốc bươu vàng tại ruộng nhà o Tây - Ảnh: Diệu Nguyễn

Xuống ruộng với nhà nông

 

Greenknot: Những nút xanh còn lại

Tên chung của chương trình là Greenknot. Điều phối viên BAJ Huỳnh Huy Tuệ giải thích: Môi trường đang bị phá hủy, những mảng xanh còn lại trên Trái đất (như việc âm thầm gìn giữ làng truyền thống Thủy Biều) chính là những nút (knot) nhằm nối kết (thắt) mảng sống của môi trường bền vững với nhau.

Chiều hôm ấy ruộng nhà o Tây đang cấy mạ. Cầm bó mạ trên tay, o Tây nói cho các cô cậu trò nhỏ cách cấy, trồng lại mạ theo hàng để cây lúa phát triển là như thế nào. Mặc những chiếc áo mưa bì bõm lội ruộng, các bạn nhỏ bảo nhau đi theo hàng để không giẫm lúa. Các bạn lom khom bắt ốc bươu vàng cho vào những chiếc túi, sau khi nghe o Tây nói về tác hại của chúng.

Đây là một bài trong chương trình “Du học từ làng xa” mà Greenknot - BAJ làm ở Huế vào những ngày cuối tuần. Chương trình gồm nhiều chủ đề xoay quanh môi trường như đến với nhà nông, nói chuyện về làng, phân loại rác, tìm hiểu thuốc và thực vật...

Cầm một bịch ốc bươu vàng lớn, Đặng Thanh Nhật, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Thủy Biều, nói: “Em rất thích học ở làng như thế này vì mỗi ngày em lại phát hiện nhiều thứ xung quanh mình”. Nhật cho biết hôm thì bạn tìm hiểu về đất (màu gì, trồng được cây gì...); hôm thì bạn biết đủ thứ loại chuối trên đời: cau, bom, tiêu, ba lùn, hương, mặt mốc... Nhật nói như một nhà hoạt động môi trường thứ thiệt: “Biết nhiều thứ ở làng, em yêu quý làng nhiều hơn. Em nghĩ lớn lên sẽ mang điều học được để giúp làng tốt hơn”.

“Hiểu địa phương mình sống” là một trong những điều mà Greenknot hướng tới bằng những phương pháp tự nhiên, thấm dần như vậy.

Ruộng dưa hường nhà ông bà Đặng Văn Kế đang trổ bông màu vàng với những trái to như quả bóng quần vợt nằm sát mặt đất. Buổi sáng ấy, lớp “du học làng xa” đông hơn với nhiều học trò ngoài làng Lương Quán, Nguyệt Biều, còn có An Cựu và Hương Trà cách Thủy Biều 17 cây số. Cầm những hạt giống dưa hường, bà Kế dạy cho các học trò cách ngâm hạt, gói vào lá chuối cho ẩm để ra mầm, rải hạt, bón phân đạm...

 

Bắt đầu từ hộ gia đình

Trong hội thảo “Biến đổi khí hậu: góc nhìn từ châu Á” do Cơ quan truyền thông châu Á - Thái Bình Dương IPS tổ chức mới đây tại Thái Lan, ông Supakorn Chinvanno - cố vấn nghiên cứu cao cấp Tổ chức Sea Start tại Thái Lan - cho rằng: “Nhằm giúp người dân hiểu và sống thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình hoạt động môi trường toàn cầu là đi từ hộ gia đình đến chính quyền địa phương, từ đó tác động đến quốc gia”.

Đó chính là cách mà Greenknot - BAJ đã và đang làm, như mô hình “du học từ làng xa” này.

Ở một góc, Minh Châu (Trường tiểu học An Cựu) và Vân Anh (Trường tiểu học Vĩnh Linh) nói chuyện với nhau về công dụng của quả dưa hường. “Nấu canh với tôm là ngon nhất”, Châu nói. Ông Kế liệt kê thêm dưa hường có thể nấu canh, muối chua, phơi khô làm mắm dưa cà... Dắt năm cháu ngoại Hoàng, Triều, Nguyên, Châu, Phương Anh từ tận Hương Trà sang học, bà Trần Thị Thanh Vân bảo gia đình bà rất thích cho các cháu tham gia những chuyến “du học” này.

“Cầu truyền hình” nối nông thôn - thành phố

Chuyện xuống ruộng với nhà nông tại đây đã được “truyền hình” trực tiếp qua webcam bằng iPad đến với nhóm Bajiko ở TP.HCM. Các bạn ở TP.HCM vẽ những loại rau mình hay ăn chuyển cho các bạn Huế xem. Còn các bạn ở Huế chọn rau ở làng, đặt lên những chiếc mẹt tre, rồi khi chiếc webcam iPad quay đến các loại rau nào, các bạn ở TP.HCM lại đặt câu hỏi như hoa rau ngót có màu gì, trái dưa hường khác dưa hấu chỗ nào, vì sao dưa hường non không ăn sống được mà phải nấu canh, nấu canh dưa hường với gì là ngon nhất?...

Đoàn Thanh Diệu Hằng, sinh viên năm 4 Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, là một trong nhiều sinh viên tham gia chương trình BAJ ở Huế hơn một năm qua, chia sẻ: “Đây là cách nhìn mới trong xây dựng cộng đồng: không phải mình mang đến cho người dân cái gì mà chính là mình cứ làm, mỗi ngày một chút, bắt đầu từ trẻ em, để mọi người cùng cảm nhận và cùng làm, một cách bền vững”.

Ông Tôn Thất Đào - chủ tịch UBND phường Thủy Biều, Huế  - cho biết: “Sau khi Tổ chức BAJ về thực hiện, người dân và trẻ em ở đây hiểu biết và bảo vệ môi trường. Người dân tổ chức lại sản xuất, trồng những loại cây không phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, sử dụng các loại rau mà trước đây không bán được, hằng tuần có nhiều thành viên đăng ký mua loại rau sạch này”.

Theo ông Huỳnh Huy Tuệ - điều phối viên BAJ, “du học” online là để trẻ em và nông dân tự tin, để biết gìn giữ thông tin liên lạc, biết giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với khách hàng sau này. Đó chính là làm kinh tế vùng nhỏ để nông dân nhỏ làm kinh doanh. Cách học từ làng xa là để các học sinh, ba mẹ, gia đình đô thị như TP.HCM có kiến thức thực tế từ nông dân, những kiến thức mà nhà trường không ban trao.

Theo Đặng Tươi / Tuổi Trẻ

>> Cầu truyền hình Bài ca chiến thắng
>> Cầu truyền hình “Sáng mãi đường Hồ Chí Minh trên biển”
>> Cầu truyền hình quốc tế “Hà Nội - Viêng Chăn - Paris/UNESCO”
>> Cầu truyền hình trực tiếp “Người đi mở cõi”
>> Cầu truyền hình "Thay lời muốn nói" Miền Trung-Khúc ruột quê mình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.